Giá vàng hôm nay giao dịch ổn định quanh mốc 2.320 USD/ounce. Vàng phục hồi sau khi thủng mốc 2/300 USD/ounce vào tối qua khi số liệu mới công bố cho thấy lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ hoạt động ổn định trong tháng 3.
Thứ Tư, Bộ Thương mại cho biết số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ đã tăng 2,6% trong tháng trước, sau khi mức điều chỉnh giảm của tháng 2 xuống 0,7%. Dữ liệu gần như phù hợp với kỳ vọng khi các nhà kinh tế đang mong đợi mức tăng 2,5%. Tuy nhiên, dữ liệu S&P PMI công bố hôm thứ Ba lại cho thấy kinh doanh tư nhân của nước này tăng trưởng chậm lại.
Các thị trường hiện đang chờ đợi số liệu ước tính GDP và chỉ số lạm phát PCE vào cuối tuần để hiểu rõ hơn về mức độ và quy mô cắt giảm lãi suất của Fed.
Trước đó, vàng mất mốc 2.300 USD, giảm xuống 2.299 USD/ounce sau khi bị nhà đầu tư bán tháo do giảm niềm tin vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ vẫn đang chứng minh rằng lạm phát của nước này chưa giảm như mục tiêu. Điều này khiến Fed chần chừ trong cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, vàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức sau khi căng thẳng giảm bớt ở Trung Đông. Nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng dòng tiền sang các hình thức kinh doanh khác ngoài vàng.
Theo Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, thị trường tập trung trở lại vào các báo cáo kinh tế và Fed. Nếu chúng ta thấy dữ liệu lạm phát nóng thì Fed sẽ khó cắt giảm lãi suất hơn và vàng có thể giảm xuống dưới 2.200 USD.
Mặc dù cho rằng giá vàng có khả năng giảm trong thời gian tới, thế nhưng một công ty nghiên cứu vẫn cho rằng nhu cầu cơ bản từ các nhà đầu tư Trung Quốc và châu Á khác vẫn mạnh và sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cao hơn cho đến năm 2024.
Trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, các nhà phân tích tại Metals Focus cho rằng trong lịch sử, các nhà đầu tư châu Á thường bán vàng khi giá vàng tăng cao; tuy nhiên, đợt phục hồi này lại khác, thị trường vẫn chứng kiến sức mua lớn ngay cả khi giá vàng được đẩy lên mức cao kỷ lục trên 2.400 USD/ounce.
Các nhà phân tích cho biết, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tục thu mua vàng đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư địa phương vào kim loại này khiến họ thêm tin vào vai trò của vàng như một hàng rào chống lại bất ổn thị trường và bất ổn tài chính.
Sau chuỗi ngày giảm, giá vàng trong nước bất ngờ đảo chiều tăng mạnh với mức tăng cao nhất lên tới 2 triệu đồng/lượng chiều bán. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC đang được niêm yết ở mức 82,5 triệu đồng/ lượng mua vào và 84,5 triệu đồng/ lượng bán ra. So với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 1,5 triệu đồng chiều mua và 1,2 triệu đồng chiều bán.
Còn tại Doji, giá vàng SJC khu vực Hà Nội đang là 82 triệu đồng/lượng mua vào và 84 triệu đồng/ lượng bán ra. Tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào là 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch mua bán cũng là 2 triệu đồng/lượng.
Tại PNJ, giá vàng SJC khu vực TPHCM đang được niêm yết ở mức 82,3 - 84,3 triệu đồng/lượng mua vào bán ra. Tăng 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Chênh lệch mua bán là 2 triệu đồng/lượng.
Còn tại Bảo Tín Minh Châu, Giá vàng miếng SJC đang là 82,350 triệu đồng/ lượng mua vào và 84,250 triệu đồng/ lượng bán ra. Tăng 1,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,25 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Chênh lệch mua bán là 1,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng đảo chiều tăng mạnh so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 73,78 – 75,55 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 270.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán là 1,77 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 74 – 76,35 triệu đồng/lượng, đơn vị này lại đảo chiều giảm mạnh 650.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán giãn ra từ mức 1,7 triệu đồng tăng lên 2,35 triệu đồng/lượng.
Đà hồi phục giá của vàng miếng SJC diễn ra trong bối cảnh phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước diễn ra vào sáng 23/4 với 11 thành viên tham gia đấu thầu vàng, nhưng chỉ có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng (tương ứng 20% khối lượng đấu thầu). Số lượng còn lại là 13.400 lượng vàng vẫn "bị ế".
Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mở phiên đấu giá thứ 2 với khối lượng dự kiến 16.800 lượng vàng.