Giá vàng hôm nay trên thế giới giảm mạnh về quanh mức 2.335 USD/ounce, do đồng đô la Mỹ tăng giá và lãi suất trái phiếu kho bạc tăng lên, làm dấy lên lo ngại về lộ trình cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang trong năm nay.
Sự sụt giảm của giá vàng diễn ra trước báo cáo lạm phát quan trọng được công bố vào thứ Sáu, khi tâm lý các nhà đầu tư đang sẵn sàng cho những tin tức bất ngờ có thể buộc Fed phải điều chỉnh lại triển vọng chính sách tiền tệ của mình.
Tâm điểm chú ý là chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) trong tháng 4, do Cục Phân tích Kinh tế (BEA) công bố. PCE cốt lõi là thước đo lạm phát ưa thích của Fed, nắm bắt những thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.
Sau khi nền kinh tế Mỹ công bố chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tháng 5 tăng tích cực thì đêm qua có thêm chỉ số sản xuất liên bang cũng tăng tốt. Cụ thể, chỉ số sản xuất liên bang tháng 5 theo báo cáo của Richmond Fed tăng từ mức giảm 7 điểm lên 0 điểm, cao hơn mức dự báo trước đó giảm 6 điểm.
Cùng với dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ, ngày 29/5 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (GDP) năm 2025 từ mức 4,1% dự báo trước đó lên lên 4,5%.
Kinh tế tăng tích cực đã thúc đẩy đồng USD tăng, khiến giá vàng giảm. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt tăng mạnh 0,5% lên mức 105,16 điểm vào lúc 7h sáng nay (giờ Hà Nội).
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng mạnh sau phiên đấu giá trái phiếu trị giá 183 tỷ USD hôm qua, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong một tháng là 5,471% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đạt mức 4,958%.
Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường đang định giá gần như chắc chắn rằng Fed sẽ duy trì lãi suất chuẩn hiện tại là 5,25% -5,5% tại cuộc họp tháng 6. Tuy nhiên, xác suất thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm, với 12,3% khả năng cắt giảm vào tháng 7 và 47% vào tháng 9.
Ghi nhận lúc 8h sáng nay 30/5, vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 88,3 – 90,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm tới 600.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với mức giao dịch cao nhất trong phiên hôm qua và giảm 200.000 đồng/lượng so với cùng thời điểm sáng qua. Chênh lệch mức giao dịch mua – bán hiện tại ở doanh nghiệp này đang ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn DOJI, SJC đang niêm yết ở mức 88,3 – 89,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), cũng giảm 600.000/lượng ở cả 2 chiều so với mức giá cao nhất trong phiên hôm qua, giảm 100.000 đồng/lượng so với mở cửa giao dịch cùng ngày.
Tại Bảo tín Minh Châu, doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giảm mạnh 450.000 đồng/lượng chiều mua và 200.000 đồng/lượng chiều bán so với cùng thời điểm sáng qua. Giá niêm yết hiện tại ở mức 88 – 89,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trái ngược với số đông, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại đẩy giá vàng ở cả 3 chi nhánh Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua và 100.000 đồng/lượng chiều bán. Giá niêm yết tại nhà vàng này hiện tại là 88,6 – 90,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong buổi trao đổi với báo chí chiều qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 Ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà nước (Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Ngay trong thứ Hai tới (3/6/2024) Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước này theo mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định căn cứ theo giá thế giới.