Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, 9h sáng nay (3/5), Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC.
Trong phiên này, giá tham chiếu để cọc được đưa ra là 82,9 triệu đồng/lượng. Mức giá này tương đương với giá mua vào trên thị trường của giá vàng hôm nay, cao hơn 600.000 đồng/lượng so với phiên liền trước (phiên 25/4) và cao hơn 1,2 triệu đồng/lượng so với đấu thầu hôm 23/4. Khối lượng đấu thầu mà một đơn vị tham gia tối thiểu vẫn là 1.400 lượng và tối đa 2.000 lượng. Nếu ước tính theo mức giá hiện tại, đơn vị trúng thầu phải bỏ ra tối thiểu gần 120 tỷ đồng.
Mỗi thành viên được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức giá do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Như vậy, đây là phiên thứ 4 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước ra thông báo đấu thầu vàng. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 1 phiên đấu thầu được diễn ra với sự tham gia của 11 ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhưng có tới 80% khối lượng vàng dự kiến đưa ra đấu thầu "bị ế", chỉ cung ra thị trường được 3.400 lượng vàng. 2 phiên đấu thầu còn lại bị hủy do không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu.
Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng nhằm thực hiện quyết liệt giải pháp đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, trong bối cảnh giá vàng "tăng nóng" kể từ đầu năm đến nay. Theo cập nhật của Dân Việt, giá vàng hôm nay (3/5) được niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện đang trụ vững trên mức 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào với vàng miếng SJC) và trên 85 triệu đồng/lượng (bán ra với vàng miếng SJC).
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ, giá vàng hôm nay mua vào/bán ra lần lượt là 82,9 triệu đồng/lượng và 85,1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng được Doji niêm yết với mức giá "mềm hơn" quanh mức 82,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84,9 triệu đồng/lượng (bán ra).
Như vậy, trong 4 tháng đầu năm giá vàng hôm nay đã tăng tới trên 16%. Còn theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so với tháng trước; tăng 9,41% so với tháng 12/2023; tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23%.
Với mức giá như hiện tại của Ngân hàng Nhà nước không thấp hơn thị trường, trong khi doanh nghiệp phải mua với số lượng lớn sẽ tác động tới quyết định tham gia của các đơn vị kinh doanh vàng. Nhiều khả năng, số lượng ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký tham gia trong phiên đấu thầu vàng ngày hôm nay cũng sẽ khá "khiêm tốn".
Theo giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước nên giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu mà một đơn vị được phép đặt thầu là xuống 500 lượng, thậm chí 300 lượng. Đồng thời, xem xét lại mức giá cọc, giá sàn cho các đối tượng tham gia đấu thầu.
Theo đó, mức giá hợp lý chỉ nên "vênh" từ 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, thay vì "bám" theo giá mua – bán SJC tại thị trường trong nước như hiện nay. Bởi mức "giá mềm" sẽ hấp dẫn các đơn vị kinh doanh vàng tham gia vào phiên đấu thầu, tăng cung cho thị trường, đảm bảo Nhà nước vẫn có lãi và mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước mới đạt được.