Ghi nhận trước giờ mở phiên sáng nay 3/6, giá vàng hôm nay giao dịch ở mốc 81-83 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm gần 8 triệu đồng/lượng so với thời điểm ngày 29/5 và là mức thấp nhất và giảm sâu nhất trong 1 tháng qua.
Cụ thể, hiện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 81- 83 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Vàng Doji Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 80,95-82,75 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giảm giá vàng hôm nay thêm 450.000 đồng/lượng đối với vàng miếng SJC trong ngày 2/6. Từ 83,45 triệu đồng/lượng về 83 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá mua vào tăng 50.000 đồng/lượng từ 80,95 lên 81 triệu đồng/lượng.
Chỉ ba ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố thay đổi phương án can thiệp thị trường vàng, giá vàng miếng SJC đã bốc hơi đến 7,6 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại cũng giảm nhưng không nhiều. Hiện giá vàng nhẫn được các doanh nghiệp mua vào 74,1 triệu đồng/lượng, bán ra 75,7 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đóng cửa ở mức 2.327 USD/ounce, giảm khoảng 8 USD/ounce so với cuối tuần trước.
Bắt đầu từ hôm nay ngày 3/6, 4 ông lớn ngân hàng là Vietcombank, Agribank. BIDV và VietinBank triển khai bán vàng miếng SJC đến các khách hàng cá nhân. Về giá bán vàng, các ngân hàng cho biết, sẽ căn cứ vào giá mua vàng miếng thương hiệu SJC từ Ngân hàng Nhà nước để xác định giá bán và thực hiện công bố giá bán vàng miếng thương hiệu SJC tại website ngân hàng và niêm yết công khai tại các địa điểm tổ chức bán vàng.
Hiện nay, 4 ngân hàng nêu trên đều đã công bố tổng cộng 16 địa điểm bán vàng cho người dân có nhu cầu. Trong trường hợp bổ sung địa điểm bán vàng miếng, các nhà băng này sẽ thông báo chính thức trên website.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) cũng tham gia bán vàng bình ổn theo phương án của Ngân hàng Nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng và quyết định nhập khẩu vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) từ ngày 3/6 tới là rất khả thi và có tác động tâm lý lên thị trường.
Các chuyên gia tài chính cho rằng đây là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm thực hiện tốt định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên ba phương diện:
Thứ nhất, nguồn cung vàng miếng được tăng lên một cách cụ thể, trực tiếp (do không bị găm giữ hay đầu cơ), đến thẳng tay người tiêu dùng.
Thứ hai, đảm bảo giá hợp lý hơn trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào giá vàng thế giới cộng thêm các khoản chi phí cần thiết, qua đó góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Thứ ba, đảm bảo tính công khai, minh bạch hơn khi các thông tin mua-bán vàng được công khai, giao dịch mua bán vàng có hóa đơn điện tử...
Về thắc mắc xung quanh việc các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) chỉ bán vàng mà không thu mua vàng của người dân, các chuyên gia cho rằng, mục đích Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn là để tăng cung, giảm chênh lệch, mục đích chính là bán, không có mục đích mua lại. Ai có nhu cầu mua chính đáng như tích trữ, cho tặng có thể đến NHTMNN mua. Khi giá bán từ NHTMNN thấp hơn, giá vàng bên ngoài thị trường sẽ phải giảm. Chênh lệch giá sẽ được rút ngắn bớt.
Vàng miếng mua từ NHTMNN có thể bán tại tất cả các công ty và cửa hàng vàng trên cả nước với mức giá niêm yết trên thị trường chung. Trên thực tế, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vẫn luôn mua lại vàng thương hiệu SJC với giá thị trường, ngay cả khi số vàng này không được mua từ chính cửa hàng của SJC. Do vậy, người dân cũng không lo bị thiệt khi không bán lại được vàng cho ngân hàng.