Sáng nay (8/5), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng, mức giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 85,3 triệu đồng/lượng. Với mức giá này và số lượng vàng đặt mua, đơn vị tham gia đấu thầu phải đặt cọc 10%.
Mặc dù giá tham chiếu để tính giá đặt cọc cao, tương đương giá vàng miếng mua vào đang được Công ty VBQĐQ Sài Gòn niêm yết, tuy nhiên sau nhiều phiên đấu thầu "bất thành" bởi số lượng người tham gia "hiếm hoi", phiên đấu thầu này khối lượng đặt thầu tối thiểu chỉ còn 7 lô, tương đương 700 lượng.
4 phiên đấu thầu vàng trước đó, Ngân hàng Nhà nước quy định khối lượng đặt thầu tối thiểu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng.
Trong khi đó, khối lượng đặt thầu tối đa vẫn là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Như vậy, sau 4 phiên "ế ẩm", Ngân hàng Nhà nước đã chính thức giảm điều kiện tham gia dự thầu. Với lượng mua tối thiểu 700 lượng vàng khi trúng thầu, số tiền một đơn vị chi ra gần 60 tỷ đồng.
Trong 4 phiên đấu thầu vàng mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến trước đó, có 3 lô đã bị hủy do không đủ số lượng thành viên tham gia dự thầu. Phiên đấu thầu duy nhất thành công ngày 23/4 chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng, chiếm 20% khối lượng lượng vàng đem ra đấu thầu.
Trước đó, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng vàng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.
Hiện tại, với mức độ "ế ẩm" của các phiên đầu thầu vàng được tổ chức từ tháng 4/2024 đến nay, mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng của Ngân hàng Nhà nước được giới phân tích đánh giá là "khó đạt được".
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc hủy 3/4 phiên đấu thầu vàng do có chỉ có 1 đến 2 đơn vị tham gia cho thấy mục đích tăng cung vàng ra thị trường của cơ quan quản lý đã thất bại.
"Đây là điều vô cùng phi lý và cần có câu trả lời từ phía Ngân hàng Nhà nước - cơ quan được Chính phủ giao quản lý hoạt động kinh doanh vàng", ông Nghĩa lên ý kiến.
Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ nhất vẫn là cho phép nhập khẩu vàng, chấm dứt độc quyền vàng miếng.
Trên thị trường vàng, cập nhật giá vàng sáng nay (8/5) tại thời điểm 7h15, giá vàng SJC đang được mua vào/bán ra quanh mức 85,3 triệu đồng/lượng và 87,5 triệu đồng/lượng – mức giá cao kỷ lục. Riêng vàng miếng SJC 0,5, 1 và 2 chỉ, giá bán lên đến 87,530 triệu đồng/lượng.