Thống kê của Dân Việt cho thấy, chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 5 lần ra thông báo về việc tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC. Điều đáng nói, chỉ 2/5 phiên được tổ chức thành công, và 3/5 phiên còn lại bị "hủy" vì lý do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu.
Thậm chí, trong 2/5 phiên đấu thầu thành công thì cũng chỉ có 2 - 3 đơn vị trúng thầu với số lượng khiêm tốn so với số lượng vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến "bơm" vào thị trường qua mỗi phiên.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 23/4, 11 đơn vị đăng ký tham gia, song chỉ 2 đơn vị trúng với khối lượng 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng (cao hơn 630.000 đồng so với giá tham chiếu 80,7 triệu đồng). Giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng (cao hơn 620.000 đồng so với giá tham chiếu).
Trong phiên gần nhất (8/5), cũng chỉ có 3.400 lượng vàng/16.800 lượng (dự kiến) được rót vào thị trường, giúp tăng cung vàng. Tuy nhiên, giá trúng thầu lần đấu này "cao ngất" lên tới trên 86 triệu đồng/lượng.
Hơn nữa, một điểm "chung" của các phiên đấu thầu, nhãn tiền có thể thấy đó chính là sau đấu thầu giá vàng lại tăng, xô đổ mọi kỷ lục trước đó.
Chẳng hạn như trong phiên giao dịch ngày 23/4, giá vàng miếng SJC trong phiên buổi sáng khi hoạt động đấu thầu diễn ra đứng ở mức 81 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra với giá 83,3 triệu đồng/lượng và lùi về chốt phiên quanh mức 80,3 triệu đồng và 82,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 24/4 – ngay sau phiên đấu thầu diễn ra, để sở hữu 1 lượng vàng người dân cần tới 84,5 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá kỷ lục của giá vàng tính đến thời điểm đó.
Kịch bản tương tự trong phiên đấu thầu vàng ngày 8/5. Trong phiên sáng, giá vàng niêm yết ở mức 85,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 87 triệu đồng/lượng (bán ra). Sau khi phiên đấu thầu diễn ra thành công, và thị trường có thêm 3.400 lượng vàng với giá trúng thầu "cao ngất", giá vàng chốt phiên này giảm nhẹ về mức giá 87,3 triệu đồng/lượng chiều bán và 85,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 9/5, giá vàng miếng SJC đã bật tăng "điên cuồng" và ghi nhận mức đỉnh mới là gần 90 triệu đồng/lượng (bán ra).
Một điểm đáng chú ý khác đó là, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước thông báo đấu thầu (từ ngày 22/4) đến nay cũng nới rộng, cao hơn cả thời điểm trước đấu thầu. Từ mức chênh lệch khoảng 12,4 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 4, đến phiên giao dịch ngày hôm qua, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên tới 18 triệu đồng/lượng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu của việc đấu thầu vàng nhằm tăng cung cho thị trường và kỳ vọng giúp giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Thế nhưng, với những kết quả vừa nêu trên thì rõ ràng, cả 2 mục tiêu này đều không đạt được.
Thực tế, năm 2013 Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng miếng. Kết quả, đơn vị này đã bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng trong tổng số 1.932.000 lượng vàng được chào bán. Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.
Tuy nhiên, cũng giống như các phiên đấu thầu gần đây, việc kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thời điểm đó cũng không "thuận lợi" khi khoảng cách chênh lệch không những không giảm, mà còn tăng so với trước thời điểm đấu giá (trước thời điểm đấu giá, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vào khoảng 3 triệu đồng/lượng và sau phiên đấu thầu vàng thứ 76, chênh lệch giá vàng ở mức trên 4 triệu đồng/lượng).
Mặc dù vậy, qua 76 phiên đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng. Điều quan trọng nhất là qua dồn dập các phiên đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước đã đáp ứng được nhu cầu tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng, "bóc" được toàn bộ vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng, chấm dứt hiện tượng vàng hóa gây nhiều rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Cũng vì thế, hiện tượng đầu cơ vàng giảm hẳn (trước đây, ngân hàng là những nhà đầu cơ vàng chủ yếu trên thị trường). Chính sách này của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm đó đã khiến thị trường vàng ổn định (dù giá thế giới biến động mạnh) cũng là lý do khiến kênh đầu tư vàng nguội dần vì ít sóng.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nếu tiếp tục tổ chức đấu thầu, nguy cơ "ế" hoặc phải hủy là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu ngừng hoạt động đấu thầu, mục tiêu tăng cung ra thị trường cũng không đạt được. Do đó, trước mắt ông Lực cho rằng, nên cải thiện lại quy trình cũng như các chính sách về khối lượng hay mức giá cọc, giá sàn "may ra" hoạt động đấu thầu vàng mới có thể khả thi và phát huy hiệu quả.
"Bắt buộc phải giảm giá tham chiếu xuống để tạo ra sự hấp dẫn trong phiên đấu thầu và giá tham chiếu cần phải tiệm cận với thế giới", ông nói thêm.
Cũng theo đánh giá của vị chuyên gia này, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế. Thời gian tới, điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 theo hướng đó bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành. Chỉ khi nào nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay.