Giá vàng hôm nay 22/1 (cập nhật 13h) tại thị trường trong nước tiếp tục tăng mạnh.
Cụ thể, vàng miếng SJC đã đạt mức 88 triệu đồng/lượng, tăng 500 nghìn đồng/lượng so với phiên mở cửa sáng nay. Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC được niêm yết tại mức 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 87,5 triệu đồng/lượng (bán ra), cũng tăng 500.000 đồng/lượng so với trước đó.
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng điều chỉnh giá, niêm yết ở mức 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 87,5 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối ngày hôm qua, mức tăng ghi nhận lần lượt là 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng tăng đáng kể, niêm yết mức 86 triệu đồng/lượng (mua vào) và 87,95 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng hôm nay trên thế giới ghi nhận tăng hơn 1% so với phiên trước, chạm mức cao nhất trong hai tháng khi tiến lên mốc 2.750 USD/ounce. Sự leo thang này được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn của nhà đầu tư sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ nhậm chức và loạt sắc lệnh mới của ông Trump.
Đáng chú ý, quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tạo ra nhiều phản ứng và lo ngại trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Ông Trump đã chỉ trích WHO vì những sai sót trong ứng phó với đại dịch và cho rằng tổ chức này không cải cách một cách hiệu quả. Ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đã đóng góp một khoản tài chính lớn hơn nhiều so với Trung Quốc đối với tổ chức này, điều mà ông xem là bất công.
Sắc lệnh rút khỏi WHO được xem là một cú sốc đối với các chuyên gia y tế và nhà đầu tư. Việc Mỹ không còn thành viên của WHO có thể khiến CDC mất khả năng truy cập vào thông tin và dữ liệu y tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến khả năng giám sát và ngăn chặn các bệnh dịch. Thêm vào đó, các nhà sản xuất dược phẩm cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc chứng nhận và phân phối sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng tại Mỹ đã dẫn đến sự gia tăng tìm kiếm giá trị an toàn như vàng. Thực tế, giá vàng đã tăng mạnh trong bối cảnh này, phản ánh mối lo ngại của giới đầu tư về sự ổn định của nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, WHO cũng đối mặt với thách thức lớn hơn trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp toàn cầu khi thiếu đi nguồn ngân sách từ Mỹ, một trong những nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức này.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng đã vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng ở mức 2.730 USD và đang hướng tới mốc 2.750 USD. Nếu vượt qua, giá vàng có thể đạt mức cao kỷ lục 2.790 USD, trước khi kiểm tra ngưỡng 2.800 USD. Ngược lại, nếu giá giảm dưới 2.700 USD, các mức hỗ trợ quan trọng sẽ nằm ở 2.656 USD và khu vực 2.642-2.644 USD, nơi hội tụ các đường trung bình động 50 và 100 ngày.
Liên quan đến diễn biến tăng giá vàng, ông Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế, chia sẻ với Dân Việt rằng một trong những yếu tố gây chú ý là các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khi ông Trump nhậm chức, thị trường đã kỳ vọng chính quyền mới sẽ nhanh chóng áp thuế đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump chưa có chính sách thuế quan cụ thể nào được đưa ra.
"Trước đó, trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump từng đe dọa áp thuế lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Đây là lý do thị trường kỳ vọng USD sẽ mạnh lên, khiến giá vàng giảm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay giá vàng lại tăng mạnh, vì ông Trump chưa thực hiện các chính sách thuế quan như đã đề cập trước đó," ông Huân phân tích.
Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba vừa tuyên bố, chính quyền đang xem xét mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể có hiệu lực sớm nhất từ ngày 1/2. Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo áp thuế 25% đối với Canada và Mexico nếu 2 quốc gia này không kiểm soát được tình trạng buôn người di cư bất hợp pháp và vận chuyển fentanyl qua biên giới. Trung Quốc và Liên minh Châu Âu EU cũng không ngoại lệ.
Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên: "Liên minh châu Âu rất, rất tệ với chúng tôi. Vì vậy, họ sẽ phải đối mặt với thuế quan. Đó là cách duy nhất để chúng tôi đạt được sự công bằng".
Theo ông Nguyễn Hữu Huân, mức thuế 10% có thể là chính sách thuế quan "khởi đầu" mà chính quyền Tổng thống Donald Trump dự định áp dụng đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng nhận định khả năng mức thuế cao hơn có thể được áp dụng trong tương lai gần, dẫn đến áp lực giảm giá vàng trên thị trường quốc tế.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế cho rằng giá vàng sẽ có xu hướng giảm sau khi ông Donald Trump nhậm chức, bởi các yếu tố liên quan đến giảm xung đột toàn cầu.
"Cả nhiệm kỳ trước, ông Donald Trump không phát động cuộc chiến nào. Dư luận đang kỳ vọng sau khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ, xung đột vũ trang tại Trung Đông, Ukraine sẽ chấm dứt. Do đó, giá vàng năm 2025 sẽ khó biến động mạnh. Tôi cho rằng giá vàng sẽ khó tăng lên nhưng cũng khó giảm sâu, vì đã lập mặt bằng giá mới" TS. Nghĩa nhận định.
Riêng tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng không chỉ phụ thuộc vào biến động quốc tế mà còn chịu tác động lớn từ nguồn cung trong nước. TS. Lê Xuân Nghĩa ước tính rằng, từ năm 2005 đến nay, khoảng 2.000 tấn vàng đã được nhập khẩu vào Việt Nam qua nhiều con đường khác nhau. Sau khi trừ đi lượng vàng xuất khẩu, số vàng còn tồn đọng trong nước tương đương giá trị khoảng 12 tỷ USD, một con số không hề nhỏ.