Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 10/9, giá vàng miếng trong nước được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức 41,35 – 41,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 650.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch hôm qua.
Tại Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng hiện niêm yết ở mức 41,35 - 41,75 triệu đồng/lượng, giảm tới 750 nghìn đồng/lượng chiều mua và 650 nghìn đồng/lượng chiều bán so với sáng hôm qua.
Tập đoàn DOJI cũng điều chỉnh giảm mạnh giá vàng xuống mức 41,40-41,65 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Phú Quý giao dịch vàng miếng SJC với giá 41,35 triệu đồng/lượng chiều mua và 41,75 triệu đồng/lượng chiều bán.
Sáng 10/9, giá vàng thế giới sụt mạnh về quanh 1.488 USD/ounce, giảm 23 USD/ounce so với phiên giao dịch hôm qua.
Giá vàng thế giới giảm sâu do thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã đạt đà tăng trong phiên thứ tư liên tiếp khi thị trường lạc quan hơn về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc đã xác nhận rằng 2 bên đã điện đàm hôm 5/9 và nhất trí nối lại đàm phán ở Washington vào đầu tháng 10/2019.
Bình luận về sự trồi sụt thất thường của giá vàng trong những ngày qua, nhiều chuyên gia nhận định giá vàng chỉ điều chỉnh hạ nhiệt trong ngắn hạn sau thời gian tăng mạnh; triển vọng dài hạn của vàng vẫn được cho là tích cực. Vàng vẫn được xem là nơi trú ẩn an toàn khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn khá yếu và các nước đang nỗ lực thực hiện các chính sách nới lỏng để thúc đẩy kinh tế. Hơn nữa, mặc dù sẽ nối lại bàn đàm phán vào tháng 10, một triển vọng tốt đẹp trong quan hệ Mỹ - Trung vẫn chưa rõ ràng.