Giá vàng tăng vọt trong thời gian gần đây và được dự báo sẽ tăng tiếp trong thời gian tới. Đây là diễn biến có lợi cho doanh nghiệp khai thác vàng. Tuy nhiên, biến động tại các doanh nghiệp khai khoáng này vẫn luôn bí ẩn.
Công ty cổ phần Vàng Lào Cai (GLC) vừa công bố nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2020 với việc thông qua một số chỉ tiêu kinh doanh trong năm vừa qua. Theo đó, trong 2019, công ty báo lỗ 15,6 tỷ đồng do doanh thu giảm gần 90% xuống chỉ còn hơn 11 tỷ đồng.
Vàng Lào Cai là công ty khai thác vàng duy nhất trên sàn chứng khoán. Hiện công ty này khai khác, tuyển và luyện vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai. Doanh nghiệp được phép khai thác tinh quặng vàng và toàn bộ lượng khai thác được bán cho Tổng công ty Khoáng sản TKV để sản xuất vàng tiêu thụ trên thị trường.
Tuy hoạt động trong lĩnh vực được xem là rất hấp dẫn: khai thác quặng vàng, tinh quặng vàng, nhất là trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng GCL có hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật, thậm chí là yếu kém.
Theo giải thích của doanh nghiệp, sở dĩ doanh thu và lợi nhuận sụt giảm là do giấy phép khai thác vàng đã hết hạn từ tháng 4/2019 nên công ty đã tạm dừng khai thác.
Tính tới cuối 2019, GLC ghi nhận nợ ngắn hạn 10,7 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 53,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 51,6 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu GLC biến động không giống gần như tất cả các cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu này lên sàn 9/1/2019 và không hề có biến động và giao dịch trong suốt thời gian kể từ đó tới nay. Giá cổ phiếu GLC vẫn ở mức 10.000 đồng/cp, không thay đổi.
Một điểm cũng khá khác thường ở GLC là ở cơ cấu cổ đông và ban điều hành doanh nghiệp.
Vàng Lào Cai lỗ lũy kế lớn. |
Vào cuối 2018, cơ cấu cổ đông lớn của doanh nghiệp này bao gồm: Tổng công ty Khoáng sản TKV (sở hữu 46,14% vốn điều lệ); CTCP Khoáng sản 3 - Vimico chiếm 21,71%; ông Uông Huy Giang 8,65%; Công ty TNHH MTV Khoáng sản - Bitexco 6,43%; CTCP Khoáng sản Đông Dương 6,33%.
Tới cuối 1/2019, sau khi GLC đã lên sàn, TKV thoái toàn bộ vốn.
Các cổ đông hiện tại bao gồm: Cao Trường Sơn (23,29%), Uông Huy Giang (22,94%), Chu Quang Tú (22,86%), Phạm Anh Tuấn (13,48%) và Công ty TNHH MTV Khoáng sản - Bitexco 6,43%.
Tuy nhiên, thành viên HĐQT và ban giám đốc đều là những người khác và gần như không nắm cổ phần. Chủ tịch HĐQT hiện là bà Đoàn Thị Yến Châu. Bà Hoàng Thị Quế là thành viên HĐQT kiêm giám đốc công ty; ông Trần Đình Dũng là thành viên HĐQT…
Báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 6, lãnh đạo công ty cho biết đã thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, để đi vào ổn định sản xuất. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc gia hạn giấy phép vẫn chưa hoàn thành.
Trước đó, doanh nghiệp khai thác vàng lớn tại Việt Nam cũng báo lỗ sau nhiều năm khai thác như: Tập đoàn Besra Việt Nam tại mỏ vàng Bồng Miêu (1997) và mỏ vàng Phước Sơn (1999). Doanh nghiệp này nợ thuế kéo dài.
Một số doanh nghiệp khai báo đã khai thác được hàng nghìn tấn vàng. Tuy nhiên, những con số thực tế là bao nhiêu và số tiền bán vàng đã được sử dụng như thế nào mà doanh nghiệp thua lỗ nặng vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 12/8, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và hiện ở quanh ngưỡng 850 điểm.
Theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp quanh mức trung bình 20 phiên trong phiên 13/8. Đồng thời, thj trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy và biến động hẹp cho nên dòng tiền sẽ vẫn còn phân hóa, điểm tích cực là dòng tiền đã dịch chuyển mạnh hơn vào nhóm cổ phiếu largecaps cho nên nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì trạng thái tích lũy này có thể sẽ nhanh chóng kết thúc trong tuần giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8, VN-Index tăng 3,84 điểm lên 846,92 điểm; HNX-Index giảm 0,19 điểm xuống 116,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,26 điểm lên 56,78 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,2 ngàn tỷ đồng.
V. Hà