Khách mua vàng tại cửa hàng PNJ (Ảnh: Quốc Hải)
Giá vàng trong nước trong phiên giao dịch hôm nay 18/3 đã tăng trở lại nhờ diễn biến tăng giá của vàng trên thị trường thế giới. Trong đó, kim loại quý thế giới đêm qua đã có phiên tăng mạnh hơn 90 USD từ vùng giá thấp nhất ngày 16/3 lên vùng 1.540 USD/ounce hiện tại. So với mức đáy của phiên hôm qua, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 60 USD/ounce (1,7 triệu đồng/lượng).
Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 43,02 triệu đồng/lượng.
Cú đảo chiều của giá vàng thế giới cũng giúp thu hẹp cách biệt giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức 2,6 triệu đồng/lượng. Trước đó, khi vàng thế giới sụt giảm mạnh, giá vàng trong nước đã cao hơn đến 4,5 triệu đồng/lượng với giá vàng thế giới quy đổi.
Giá vàng bật tăng trong phiên giao dịch hôm nay (18/3), khiến cổ phiếu PNJ (Công ty CP Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận) của bà Cao Thị Ngọc Dung đã có sự phục hồi nhẹ, bật tăng 500 đồng/CP (tăng 0,9%) từ vùng giá 57.000 đồng/CP của ngày hôm qua, lên mức giá 57.500 đồng/CP ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự hồi phục khá nhỏ khi trước đó, trong vòng gần 2 tháng, cổ phiếu PNJ đã “bốc hơi” gần 38% giá trị.
Cổ phiếu PNJ liên tục đỏ sàn hơn chục phiên giao dịch gần đây
Cụ thể, từ vùng giá 92.000 đồng/CP, PNJ đã giảm mạnh về vùng giá 57.000 đồng/CP, tương ứng “bay mất” 35.000 đồng/CP. Đà giảm này khiến tài sản bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, hiện đang nắm giữ hơn 20,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,03% vốn), đã giảm mất hơn 711 tỷ đồng chỉ sau gần hai tháng.
Hai người con của bà Dung là bà Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Thảo, hiện đang nắm giữ gần 12 triệu cổ phiếu PNJ (tỷ lệ 5,33%), cũng giảm mất hơn 419 tỷ đồng trong tài sản.
Như vậy, tổng tài sản mẹ con bà Cao Thị Ngọc Dung bị “bốc hơi” sau gần hai tháng sụt giảm của cổ phiếu PNJ lên tới hơn 1.100 tỷ đồng.
Mới đây, PNJ đã thông qua việc chi tạm ứng cổ tức đợt 2/2019 cho cổ đông. Theo đó PNJ dự kiến sẽ chi tạm ứng cổ tức đợt 2/2019 bằng tiền tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.000 đồng. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 3/4/2020 và số tiền chi trả vào ngày 16/4/2020.
Như vậy với hơn 225 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, PNJ sẽ chi khoảng 225 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của PNJ
Cùng với việc thống nhất chi tạm ứng cổ tức, thì PNJ cũng thông qua việc dời ngày tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 và thực hiện các thủ tục để tổ chức lại. Thời gian tổ chức lại căn cứ thời gian Nhà nước công bố hết dịch nhưng không trễ hơn ngày 30/6/2020.
Trước đó PNJ đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 25/2 và thời gian họp dự kiến vào 28/3. PNJ cũng công bố tài liệu trình Đại hội lần này trong đó đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu thuần 19.020 tỷ đồng, tăng 12% và Lợi nhuận sau thuế 1.349,5 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến giữ nguyên ở mức 18%.
PNJ cũng có kế hoạch mở 31 cửa hàng mới trong năm 2020 so với 43 cửa hàng mới trong năm 2019. Kế hoạch này, theo PNJ là đã tính đến tác động của dịch vius Covid-19 bùng phát gần đây, với giả định mọi thứ sẽ trở lại bình thường trong 6 tháng cuối năm 2020.
Trong một báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, đơn vị này đã đưa ra hai kịch bản liên quan đến diễn biến của dịch virus Covid-19 bùng phát và tác động của dịch bệnh đối với hiệu quả hoạt động của PNJ.
Cụ thể, SSI kỳ vọng dịch virus Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối Q2/2020 đối với trường hợp cơ sở, và không thể kiểm soát trong năm 2020 đối với trường hợp xấu nhất. Do đó, SSI ước tính PNJ có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần/lợi nhuận ròng tương ứng 8,9%/10,5% so với cùng kỳ đối với trường hợp cơ sở và 5%/-2,8% so với cùng kỳ đối với trường hợp xấu nhất.
Trong trường hợp xấu nhất, SSI ước tính doanh thu bán lẻ của trang sức vàng giảm 5% so cùng kỳ, còn doanh thu vàng miếng ước tính tăng 30% so cùng kỳ. Điều này có thể khiến lợi nhuận sau thuế của PNJ có thể giảm 2,8%.