Cụ thể, lúc 8h30 925/8), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng ở mức 55,05-56,1 triệu đồng/lượng, giảm 400 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 450 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với chiều hôm qua.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều mua và giữ nguyên chiều bán, hiện niêm yết vàng SJC với giá 55,2-56,4 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI giảm 150 nghìn đồng/lượng chiều mua và 250 nghìn đồng/lượng chiều bán xuống còn 55,15-56,25 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Phú Quý cũng giảm khoảng 200 nghìn đồng/lượng xuống còn 55,1-56,0 triệu đồng/lượng.
So với 1 tuần trước, giá vàng đã giảm khoảng 1,7-2 triệu đồng/lượng chiều mua và 2-2,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng thế giới tiếp tục đi ngang, lúc 8h40 (25/8), giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.932 USD/ounce, tương đương với 54,2 triệu đồng/lượng, "rẻ" hơn khoảng 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Theo một số nhà phân tích, sau một đợt tăng lịch sử kể từ đầu năm, vàng đã bước vào giai đoạn củng cố cần thiết. Đây được coi là một đợt điều chỉnh lành mạnh và nó sẽ giúp vàng duy trì xu hướng tăng trong dài hạn.
Theo đại diện của FXStreet, vàng có thể trượt xuống bên dưới đường xu hướng tăng kéo dài 5 tháng ở mức 1.890 USD/ounce và hướng về ngưỡng hỗ trợ 1.863 USD nếu chủ tịch Fed Jerome Powell không đưa ra các tín hiệu chính sách rõ ràng trong cuộc họp sắp tới.
Trong khi đó Bloomberg Intelligence cho rằng, quỹ đạo tăng giá của vàng nhiều khả năng sẽ tăng tốc, có thể đạt tới 3.000 USD/ounce.