Cụ thể, tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC tăng 800 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua – bán, hiện niêm yết ở mức 66,8-67,8 triệu đồng/lượng. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng tới 1,2 triệu đồng/lượng, nâng giá vàng SJC lên 67,0-67,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tương tự, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng đã tăng giá vàng miếng lên 66,8-67,8 triệu đồng/lượng.
Trong khoảng 1 tuần qua, giá vàng miếng đã tăng khoảng 2-2,2 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,5-1,7 triệu đồng/lượng chiều bán. Chênh lệch chiều mua – bán theo đó đã được rút ngắn, từ 1,5 triệu đồng/lượng hiện còn khoảng 900 nghìn – 1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.761 USD/oune, tăng khoảng 5 USD/ounce so với phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng quốc tế đang tương đương với 50 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), "rẻ" hơn giá vàng trong nước tới 18 triệu đồng/lượng.
Lý giải về chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.
Theo bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN, NHNN đã tổng hợp dư luận về chính sách với vàng trên nguyên tắc khách quan từ nhiều nguồn khác nhau như báo chí, các buổi làm việc với các chuyên gia…Có ý kiến đặt câu hỏi vì sao lại có hiện tượng chênh lệch giá vàng với SJC và vàng quốc tế từ 15-20 triệu/1 lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng…Chính sách vàng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay để kéo giá vàng SJC về gần giá vàng thế giới?
Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng kết quả đạt được trong công tác quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 hiện nay đang phát huy tác dụng đặc biệt là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, chống vàng hóa, và làm cho người dân " chán vàng" và thay đổi thói quen dùng vàng làm phương tiện thanh toán và đo giá trị với tài sản khác, loại vàng ra khỏi phương tiện thanh toán. Đây là nỗ lực rất lớn của chính sách vàng và thực hiện theo thông lệ quốc tế chuyển hóa vàng thành nguồn lực phát triển kinh tế.
Bà Lê Thị Thúy Sen nhấn mạnh nhiều ý kiến đưa ra việc xem xét điều chỉnh được chính sách quản lý thị trường vàng thì cần cân nhắc những lợi ích mang lại như: Lợi ích đối với nền kinh tế, lợi ích của người dân, lợi ích đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng. Khi xác định được những vấn đề này một cách rõ ràng thì mới xem xét tới việc có điều chỉnh chính sách hay không.
Về chênh lệch giá vàng nhiều ý kiến cho rằng chênh cao là so với giá SJC còn so với vàng vật chất 4 số 9 thì chỉ chênh 2 triệu/1 lượng. Do vậy khẳng định giá vàng chênh quá cao so với thế giới là thông tin chưa toàn diện. Và người dân có thể thay vì mua vàng thương hiệu SJC thì có thể mua vàng thương hiệu khác. Tuy nhiên thói quen nhiều người vẫn mua SJC vì thực tế mua cao thì lại bán cao. Và dư luận cũng phản ánh trong thời gian gần đây giá vàng SJC đã giảm khoảng 5-7 triệu/ 1 lượng. Và hiện nay mặc dù diễn biến giá vàng trên thế giới phức tạp nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước kia. Thực tế, vàng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô thời kỳ trước đây.