Cập nhật lúc 17h, giá vàng thế giới ở mức 2.379,8 USD/ounce, tăng khoảng 25 USD/ounce so với thời điểm đầu giờ chiều nay. Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới ghi nhận đà tăng mạnh mẽ được cho là sau tin tức giao tranh ác liệt đang diễn ra trên thực địa ở Rafah, miền Nam Gaza (theo Đài Al Jazeera).
Trong khi đó, tại thời điểm khảo sát, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 90,1 triệu đồng/ lượng mua vào và 92,4 triệu đồng/ lượng bán ra, chênh lệch mua bán vẫn giữ ở mức 2,3 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đã tăng 2,9 triệu đồng/lượng so với mở phiên.
Giá vàng tại Tập đoàn DOJI cũng ghi nhận tăng ở cả hai chiều, đang được niêm yết giá mua - bán ở mức 90,1 - 91,4 triệu đồng/lượng. Khoảng chênh lệch giữa giá mua và bán tại DOJI là 1,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 90 triệu đồng/lượng mua vào và 91,75 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 2,8 triệu đồng/lượng chiều mua và 2,45 triệu đồng/lượng bán so với thời điểm mở phiên. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,75 triệu đồng/lượng.
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng không kém cạnh khi điều chỉnh tăng tới 2,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán và 2,5 triệu đồng ở chiều mua, đưa giá vàng SJC niêm yết neo ở mức 89,9 – 92,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi giá vàng tăng "điên cuồng", nhiều người dân vẫn "đu đỉnh".
Anh Nguyễn Hoàng (Cầu Giấy) cho biết, anh đã liên hệ nhiều cửa hàng có kinh doanh vàng miếng SJC. Tuy nhiên, các đơn vị này cho biết, cửa hàng không có đủ vàng để giao dịch, nên hẹn anh gọi lại vào phiên giao dịch ngày mai.
Cập nhật lúc 17h tại cửa hàng vàng PNJ trên phố Cầu Giấy, cửa hàng "vắng tanh". Nhân viên tư vấn cho biết doanh nghiệp này đã "hết hàng" vì lượng vàng không đủ đáp ứng.
Do cửa hàng không đủ vàng nên anh Minh Tuấn (Hà Nội) cho biết, anh được tư vấn mua vàng theo hình thức "mới".
"Tôi được nhân viên tư vấn mua vàng qua hình thức: khách hàng trả tiền và chốt giá ở thời điểm hiện tại. Sau khi có vàng, cửa hàng sẽ liên hệ và khách đến nhận vàng vào một thời điểm khác. Nhanh nhất có thể trong ngày mai.", anh Tuấn chia sẻ.
Tại một số nhà vàng khác, theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhân viên bảo vệ từ chối nhận khách vì hàng không đủ đáp ứng nhu cầu của khách.
"Nếu không đặt trước thì mai anh quay lại, cửa hàng đã hết vàng", nhân viên bảo vệ nói. Vị này cũng cho biết thêm, tình trạng "cháy hàng" đã diễn ra từ chiều hôm qua.
Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, khách lẻ vẫn tới giao dịch thưa thớt. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn cho biết, hiện nhà vàng chỉ mua vào. Dẫn tới việc nhiều khách hàng phải ra về.
Đấu thầu vàng từng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường kim loại quý "giảm nhiệt". Tuy nhiên, trái lại, sau đấu thầu giá vàng lại tăng, xô đổ mọi kỷ lục trước đó.
Chẳng hạn như trong phiên giao dịch ngày 23/4, giá vàng miếng SJC trong phiên buổi sáng khi hoạt động đấu thầu diễn ra đứng ở mức 81 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra với giá 83,3 triệu đồng/lượng và lùi về chốt phiên quanh mức 80,3 triệu đồng và 82,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 24/4 – ngay sau phiên đấu thầu diễn ra, để sở hữu 1 lượng vàng người dân cần tới 84,5 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá kỷ lục của giá vàng tính đến thời điểm đó.
Kịch bản tương tự trong phiên đấu thầu vàng ngày 8/5. Trong phiên sáng, giá vàng niêm yết ở mức 85,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 87 triệu đồng/lượng (bán ra). Sau khi phiên đấu thầu diễn ra thành công, và thị trường có thêm 3.400 lượng vàng với giá trúng thầu "cao ngất", giá vàng chốt phiên này giảm nhẹ về mức giá 87,3 triệu đồng/lượng chiều bán và 85,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 9/5, giá vàng miếng SJC đã bật tăng "điên cuồng" và ghi nhận mức đỉnh mới là gần 90 triệu đồng/lượng (bán ra).