Ngày 7-7, cả giá vàng miếng SJC và giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K đều vượt 50 triệu đồng/lượng - mức cao nhất trong lịch sử. Trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng lên mức cao nhất trong hơn 8 năm qua.
Nhiều dòng tiền lớn đổ vào vàng
Đến khoảng 15 giờ, giá vàng thế giới ở mức 1.781 USD/ounce - cao nhất mọi thời đại nếu so với VNĐ và các loại đồng tiền khác như đô-la Úc, euro… Còn nếu xét về đồng USD, giá vàng hiện vẫn chưa bằng mức kỷ lục 1.920 USD/ounce vào tháng 9-2011.
Những yếu tố ảnh hưởng gián tiếp khiến giá vàng tăng sốc là thông tin về số ca nhiễm từ dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh với khoảng 200.000 ca nhiễm mới/ngày. Tính tổng cộng số ca nhiễm trong tháng 6 đã bằng một nửa tổng số ca nhiễm bệnh trong nửa đầu năm 2020.
Nếu thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát, nhiều kịch bản về dịch bệnh sẽ kết thúc và tác động đến nền kinh tế thế giới được đưa trong quý I, II… nhưng mới đây tiếp tục có những dự báo kém lạc quan. Bộ trưởng Bộ Y tế Nga vừa cho rằng phải tới tháng 2-2021, dịch mới tạm gọi ổn định, khiến nhà đầu tư lo lắng, tìm đến vàng để "trú ẩn".
Còn lý do trực tiếp để giá vàng liên tục lập đỉnh mới chính là dòng tiền của các nhà đầu tư lớn đổ vào vàng từ 2-3 năm nay, trước khi có dịch Covid-19. Theo Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương đã mua vào vàng từ 3-4 năm trước và mức độ mua nhiều nhất là từ nửa cuối năm ngoái đến nay.
Ngoài ra, nhiều định chế tài chính lớn, các quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư hay cả ngân hàng thương mại trên thế giới cũng tập trung vốn vào vàng. Trước đây, tỉ lệ nắm giữ vàng chủ yếu ở các quốc gia thuộc Bắc Mỹ nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, đã lan ra nhiều nước ở châu Âu, châu Á, châu Phi…
Có một thực tế, dù thị trường chứng khoán quốc tế tăng mạnh nhưng giá vàng còn tăng mạnh hơn. Dòng tiền đang đổ vào những kênh an toàn như vàng tạo cơ hội cho kim loại quý tăng giá, nên dù đã lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay, hàng loạt dự báo gần đây vẫn cho thấy đà tăng vàng sẽ chưa dừng lại. Dù vậy, trong ngắn hạn, giá vàng thế giới phải vượt qua ngưỡng 1.800 USD/ounce - hiện đang "lình xình" ở mức này nhiều ngày qua.
Hoạt động mua bán vàng ở chợ Thiếc (quận 11, TP HCM) diễn ra bình thường trong ngày 7-7 khi giá mặt hàng này đang rất cao. Ảnh: TẤN THẠNH
Không nhiều cơ hội lướt sóng
Ở trong nước, giá vàng miếng SJC ngày 7-7 đã vượt 50,3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay. Biến động của giá vàng trong nước vẫn bị phụ thuộc khoảng 80% vào giá thế giới.
Có một xu hướng khác so với trước đây, là trong khi các nhà đầu tư nhỏ thích chọn vàng, chứng khoán, bất động sản thì nhà đầu tư lớn thích trái phiếu chính phủ… Riêng ở Việt Nam, cả nhà đầu tư nhỏ và lớn hiện đều không còn thích vàng. Dù họ có quan tâm tới vàng hơn trước đây vì loại hàng hóa đặc biệt này liên tục tăng giá nhưng không còn cảnh xếp hàng, thậm chí mang cả bao tải tiền đi mua vàng như trước.
Hiện nay, công nghệ đã hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia thị trường vàng, nhiều người chọn đặt cọc, mua vàng rồi chuyển khoản tiền qua ngân hàng thay vì tới công ty vàng xếp hàng. Tỉ lệ giao dịch vàng có tăng nhưng mức độ không quá cao.
Với vùng 50 triệu đồng/lượng, rủi ro với nhà đầu tư tham gia thị trường vàng trong ngắn hạn là rất lớn. Vì mua vàng đang ở mức đỉnh, chỉ cần giá đứng im thì nhà đầu tư cũng lỗ, vì giữ vàng không có lãi - khoản lãi duy nhất từ vàng hiện nay là phải tăng giá. Trong khi gửi tiết kiệm, mua cổ phiếu, trái phiếu… đều có lợi tức. Do đó, đầu tư vàng thời điểm này chỉ nên dành cho những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi hoặc mua để dành trong thời gian dài như gửi tiết kiệm.
Còn cơ hội lướt sóng vàng gần như không có, đặc biệt với thị trường Việt Nam. Nếu có xu hướng nhà đầu tư ở các kênh khác như chứng khoán, bất động sản… chuyển sang vàng cũng là rất ít, trong bối cảnh chính sách quản lý thị trường vàng chặt chẽ của Việt Nam hiện nay. Chưa kể, vàng đã tăng giá từ năm 2018 đến nay và mua bán vàng vật chất với số lượng lớn thời điểm này cũng không dễ dàng như trước.
Giao dịch không có đột biến
Gần cuối ngày 7-7, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến mua vào 49,7 triệu đồng/lượng, bán ra 50,17 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 170.000 đồng/lượng so với cuối phiên trước. Trong ngày, có thời điểm giá vàng miếng SJC lên tới 50,37 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Dù vậy, ghi nhận của Báo Người Lao Động, thị trường không có gì sôi động, thậm chí nhiều người còn rất thờ ơ, không biết giá vàng đã vượt mốc 50 triệu đồng/lượng. Hoàn toàn không có cảnh chen chân, xếp hàng mua hay bán vàng như những lần trước. Lúc 10 giờ, tại trụ sở chính Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) ở quận 3, TP HCM, quầy giao dịch khách sỉ đông hơn ngày thường, trong khi quầy giao dịch vàng miếng với khách lẻ khá thưa thớt. Một số người cho biết vì thấy giá vàng tăng cao nên đi bán...
Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) thông tin tổng lượng giao dịch vàng trong ngày trên toàn hệ thống PNJ chỉ khoảng vài trăm lượng, không có bất thường. Từ đầu tháng 7 đến nay, nhu cầu giao dịch của khách hàng khá cân bằng cả chiều mua và bán.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Thọ, nhận định mốc 50 triệu đồng/lượng của giá vàng trong nước lần này diễn biến theo sát giá thế giới chứ không phải giá "bong bóng". Giá vàng trong nước tăng cao do ảnh hưởng của giá thế giới khi đang ở mức cao, khoảng 1.781 USD/ounce, tương đương vùng 49,9 triệu đồng/lượng. Đồng thời, vàng cũng trở thành kênh trú ẩn an toàn khi các kênh khác như chứng khoán, bất động sản rủi ro hơn...
Đà tăng của giá vàng trong nước gần đây có cơ sở hơn, ổn định quanh mức 49,4 triệu đồng/lượng trước khi vượt mốc 50 triệu đồng/lượng. Mặt bằng giá vàng mới cũng đã được lập thời gian qua. Về xu hướng giá vàng trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng đà tăng sẽ không dồn dập như vài tháng qua mà có thể điều chỉnh, sau đó biến động mạnh nếu có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới.
Thái Phương