Vàng được dự trữ tại ngân hàng ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Mở đầu tuần giao dịch cuối cùng của năm nay (ngày 27/12), giá vàng “vọt” lên mức cao nhất 6 tháng nhờ tâm lý lạc quan xung quanh các quyết định của Trung Quốc - thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới về nới lỏng hơn nữa các hạn chế COVID-19.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures, cho biết, thị trường đang đặt cược vào triển vọng nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tăng cao hơn, bất chấp tình hình lợi suất trái phiếu tăng.
Giá vàng hiện đã tăng gần 200 USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm vào cuối tháng Chín. Mức tăng trên chủ yếu do kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chậm hơn làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD cũng như giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là một tài sản không sinh lời.Nhà phân tích cao cấp Jim Wyckoff tại chuyên trang về thị trường kim loại quý Kitco Metals nhận định, những người đặt cược vào khả năng giá vàng tương lai tiếp tục tăng đang có lợi thế về mặt kỹ thuật trong ngắn hạn. Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, chuyên gia này chỉ ra giá vàng đang trong một đợt tăng tăng kéo dài 7 tuần, với ngưỡng kháng cự đầu tiên là 1.825 USD/ounce.
Sau khi giảm nhẹ vào phiên giao dịch liền sau đó, do đồng USD phục hồi, giá vàng tiếp tục trở lại quỹ đạo tăng trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, khi số liệu về lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu cho thấy thị trường lao động đã chững lại, qua đó làm dịu những lo ngại về việc tăng lãi suất nhiều hơn trong năm 2023 của Fed.
Phillip Streible, chiến lược gia về thị trường tại công ty tài chính Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), cho hay số liệu về việc làm trên đã khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ suy yếu và giúp giá vàng tăng. Ngoài ra hoạt động giao dịch trên thị trường khá thưa thớt do kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới. Chuyên gia Streible nhấn mạnh vàng có thể tìm thấy phạm vi hỗ trợ tốt trong khoảng 1.700-1.950 USD/ounce trong năm 2023.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/12, giá vàng tăng khi kim loại không sinh lời này đang trên đà khép lại quý tốt nhất kể từ tháng 6/2020 do kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất chậm hơn sau khi bị đánh bật khỏi mức cao kỷ lục vào đầu năm nay.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.818,70 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn gần như không đổi ở mức 1.826,2 USD/ounce.
Vàng chỉ giảm 0.5% trong năm 2022 khi các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Fed đã khiến vàng rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm vào tháng 9/2022, tuy nhiên sau đó, giá vàng đã tăng trở lại, xoá bớt mức giảm.
Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định: “Dữ liệu lạm phát gần đây cho thấy lạm phát đang bắt đầu hạ nhiệt một chút. Điều đó khuyến khích thị trường kim loại giá lên và là một phần lý do giúp chúng ta chứng kiến đà phục hồi”.
“Đồng USD suy yếu đang hỗ trợ giá dầu, tuy nhiên, hạn chế đà tăng giá vàng là lợi suất trái phiếu tăng trong ngày hôm nay”, ông Wyckoff nói thêm. Các chuyên gia phân tích lưu ý rằng tâm lý thị trường vào năm 2023 sẽ được thúc đẩy bởi phản ứng của các ngân hàng trung ương toàn cầu đối với bong bóng lạm phát.
Fed trong năm nay đã nâng lãi suất từ mức gần bằng 0 hồi tháng 3/2022 lên mức 4,25% - 4,5% trong đợt nâng lãi suất mạnh nhất kể từ những năm 1980, khiến vàng trượt dốc từ mức cao kỷ lục trên 2.000 USD/ounce hồi tháng 3/2022.
Vandana Bharti, Trợ lý Phó chủ tịch nghiên cứu hàng hoá tại SMC Global Securities, nhận định: “Tình hình đầu tư vào các quỹ ETF vàng có thể cải thiện trong năm 2023 sau khi dòng tiền chảy ra ồ ạt trong năm nay”.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 23,79 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,9% lên 1.063,43 USD/ounce, trong khi palladium giảm 1,6% xuống 1.784,76 USD/ounce.
Giá bạc và bạch kim kết thúc năm nay với mức tăng, trong khi paldium dự kiến sẽ giảm 5,6% trong năm 2022.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA cho biết, bạch kim và palladium có thể chứng kiến “sự phục hồi tốt sau đợt phục hồi kinh tế” nếu rủi ro suy thoái giảm bớt.