Giá vàng hôm thứ Tư (10/4) kết thúc chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp do đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt sau dữ liệu lạm phát mạnh hơn dự kiến làm giảm kỳ vọng về việc Mỹ sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 10/4 giảm 0,7% xuống 2.335,99 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 6/2024 giảm 0,6% xuống 2.348,4 USD. Sáng 11/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tiếp tục giảm nhẹ xuống 2335,6 USD.
Sau dữ liệu lạm phát mạnh, chỉ số Dollar index (so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt tăng 1,07% lên 105,2, phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng 18 điểm cơ bản để vượt 4,55%, mức tăng hàng ngày mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi.
Mặc dù được biết đến như một biện pháp phòng ngừa lạm phát nhưng sức hấp dẫn của vàng thỏi có xu hướng giảm dần trong môi trường lãi suất tăng cao.
Ngân hàng HSBC dự đoán giá vàng sẽ giao dịch trong phạm vi rộng từ 1.975 – 2.500 USD/ounce trong năm 2024. Giá vàng thỏi đã đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại vào thứ Ba (9/4), là 2.365,09 USD/ounce.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 đã tăng 0,4% so với tháng liền trước, cao hơn mức 0,3% mà các nhà phân tích dự kiến.
CPI tăng cao, kết hợp với thị trường việc làm mạnh mẽ (số việc làm mới cũng tăng cao) sẽ cản trở kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed.
Tuy nhiên, thị trường đang chờ xem thị trường vàng sẽ diễn biến tiếp theo như thế nào, vì giá vàng trong những ngày qua đã tăng bất chấp những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.
Theo ngân hàng HSBC, rủi ro địa chính trị leo thang với các cuộc xung đột nóng và lạnh đã hỗ trợ đáng kể cho vàng, cùng với số lượng các cuộc bầu cử nhiều kỷ lục trong năm nay, khiến ‘nhiệt kế rủi ro’ ở mức cao, sẽ giữ giá vàng duy trì cao trong năm 2024.
Theo biên bản cuộc họp ngày 19-20 tháng 3 của ngân hàng trung ương Mỹ, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang lo ngại rằng tiến trình giảm lạm phát có thể bị đình trệ, nên cần kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập ở New York, cho biết : “Biên bản cuộc họp của Fed dường như gợi ý rằng toàn bộ Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ sẵn sàng giảm lãi suất nếu nền kinh tế phát triển như mong đợi. Nhưng ngoại trừ việc lạm phát đang diễn biến đúng như lo ngại”.
Cuối ngày thứ Tư (10/4), các nhà giao dịch đặt cược rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng Chín (chậm 3 tháng so với dự đoán trước đây là tháng Sáu) và có không quá 2 lần cắt giảm trong năm nay (cũng giảm so với 3 lần mà các nhà hoạch định chính sách của Fed dự đoán hồi tháng Ba).
Sàn giao dịch hợp đồng tương lai Thượng Hải (SHFE) hôm thứ Tư (10/4) cho biết họ sẽ áp đặt giới hạn giao dịch đối với các hợp đồng vàng giao dịch trên sàn này sau đợt vàng tăng giá mạnh, với giá vàng hợp đồng giao dịch nhiều nhất trên sàn SHFE hôm 10/4 đã đạt kỷ lục cao mới, là 560,88 nhân dân tệ (77,55 USD)/gram, tăng 16% so với đầu năm. Sàn SHFE quy định khối lượng mở hợp đồng vàng trong ngày tối đa là 2.800 lô và đồng là 2.000 lô, bắt đầu thực hiện từ thứ Năm (12/4).
Will Rhind, Giám đốc điều hành của GraniteShares cho biết: “Nhu cầu vàng rất mạnh trong năm nay do hoạt động mua của ngân hàng trung ương, đặc biệt là các ngân hàng ngoài phương Tây đã mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của họ khỏi đồng đô la Mỹ, và đồng tiền Trung Quốc không ổn định”.
Năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã mua vàng mạnh mẽ. Dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng lên 72,74 triệu troy ounce trong tháng 3, báo hiệu nhu cầu từ Chính phủ nước này tiếp tục tăng mạnh mẽ. Riêng trong tháng 3/2024, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bổ sung 160.000 troy ounce vàng vào kho dự trữ của mình.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng nổi bật với việc tiếp tục tích lũy dự trữ vàng. Dữ liệu hàng tuần từ RBI cho thấy lượng vàng nắm giữ tăng 6 tấn chỉ trong tháng Hai, nâng tổng lượng mua của RBI trong 2 tháng đầu năm nay lên hơn 13 tấn, với tổng trữ lượng vàng hiện đạt 817 tấn. Cũng giống như Trung Quốc, những nỗ lực nhất quán của Ấn Độ nhằm tăng cường dự trữ vàng phản ánh chiến lược nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động tiền tệ và bất ổn kinh tế.
Ngân hàng trung ương của các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và một số nước Đông Âu cũng mua vàng trong năm nay. Nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng cao trong 2 năm qua và họ đang trên đà tiếp tục tích cực mua tài sản này trong năm 2024.
Tham khảo: Reuters