Trong phiên giao dịch ngày đầu tuần (21/4), giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 3.373,70 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục là 3.385,08 USD vào đầu phiên. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 1,8% lên 3.386,50 USD.
Chỉ số USD đạt mức thấp nhất trong 3 năm, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Yeap Jun Rong - chiến lược gia thị trường của IG - cho biết: "Về cơ bản, thị trường định giá theo rủi ro địa chính trị tăng. Căng thẳng thuế quan Mỹ và lo ngại về tình trạng lạm phát chậm lại, nhu cầu mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương tạo động lực thúc đẩy giá vàng ".
Giá vàng thế giới đạt mức kỷ lục.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thuế quan "có qua có lại" với hàng chục quốc gia vào ngày 2/4. Trong khi nước này tạm dừng áp thuế với một số quốc gia thì lại đẩy mạnh mức thuế lên Trung Quốc. Trung Quốc cảnh báo các nước không nên ký kết thỏa thuận kinh tế rộng lớn hơn với Mỹ mà không có lợi cho quốc gia.
Ông Trump cũng phát động loạt cuộc tấn công nhằm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. Nhóm của ông đang đánh giá xem liệu họ có thể sa thải Powell hay không.
Trên mặt trận địa chính trị, Nga và Ukraine cáo buộc nhau thực hiện hàng nghìn cuộc tấn công vi phạm lệnh ngừng bắn. Loạt vấn đề này là tín hiệu tốt cho vàng thỏi. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) của vàng ở mức 75, cho thấy kim loại này đang bị mua quá mức.
Giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 32,71 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,3% lên 969,65 USD, trong khi giá palladium giảm 0,5% xuống 957,68 USD.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu thô Brent tương lai giảm 1,1 USD, tương đương mức 1,6% xuống còn 66,86 USD/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ giao dịch ở mức 63,57 USD/thùng, giảm 1,11 USD, tương đương mức 1,7%, sau khi tăng 3,54% trong phiên trước.
Giá dầu giảm hơn 1,5% khi nhà đầu tư tập trung vào mối lo ngại thuế quan của Mỹ với đối tác thương mại tạo ra trở ngại kinh tế làm giảm tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu.