Ngày 5/2, Hội đồng Vàng Thế giới công bố Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng năm 2024. Theo báo cáo này, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu năm 2022 đạt 4.974,5 tấn vàng, tăng gần 1% so với năm 2023, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư đáng kể và hoạt động mua hàng bền vững của ngân hàng trung ương.
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng trong cả năm 2024 đạt tổng cộng 55,3 tấn, giảm nhẹ so với năm 2023 (55,5 tấn). Nhu cầu vàng miếng , thỏi và vàng xu đạt 42,1 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, nhu cầu vàng trang sức giảm 13% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 13,2 tấn.
Dù giảm nhẹ so với năm 2023 nhưng Việt Nam vẫn có nhu cầu tiêu thụ lượng vàng nhiều nhất Đông Nam Á. Thái Lan đứng thứ 2 với 48,8 tấn vàng, Indonesia tiêu thụ 47,3 tấn. Singapore chỉ tiêu thụ 13,3 tấn vàng.
Tiêu thụ vàng trang sức giảm ở cả Việt Nam và Indonesia, cả hai đều bị ảnh hưởng bởi giá vàng tăng cao dẫn đến chi tiêu dành cho mặt hàng này giảm.
Trong khi đó, vàng thỏi và xu của Việt Nam đi ngược lại xu hướng của khu vực trong quý IV/2024 với mức giảm so với cùng kỳ. Nguồn cung hạn chế đã khiến người tiêu dùng không còn ưa chuộng vàng miếng thỏi, thay vào đó họ chuyển sang mua vàng nhẫn . Mặc dù được phân loại là đồ trang sức, nhưng những chiếc nhẫn trơn này lại thường được xem như một loại tài sản tích trữ.
Theo thống kê của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), 2024 là năm vàng trong nước tăng mạnh nhất 14 năm. Vàng nhẫn trơn có thời điểm lập kỷ lục 90 triệu đồng một lượng, tăng với biên độ trên 40% so với đầu năm. Còn vàng miếng ghi nhận hiệu suất sinh lời kém hơn (cao nhất chỉ khoảng 24%), trước chính sách can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
Đến thời điểm hiện tại, đặc biệt là sát ngày Vía Thần Tài, việc mua vàng, kể cả vàng miếng và nhẫn trơn, đều không hề dễ dàng. Vàng miếng chỉ được bán khi đặt trước trực tuyến tại 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), còn các thương hiệu khác gần như đã dừng phân phối từ tháng 6 năm ngoái do không có nguồn.
Với nhẫn trơn, người dân vẫn có thể mua được tại các tiệm kim hoàn nhỏ lẻ, song tại các thương hiệu lớn như PNJ , DOJI , Bảo Tín Minh Châu..., mặt hàng này có thời điểm rơi vào tình trạng cháy hàng cục bộ.
Giá vàng trên thế giới đã tăng 27% vào năm 2024, mức tăng hàng năm đáng kể nhất kể từ năm 2010, đạt mức cao kỷ lục. Các yếu tố góp phần vào sự gia tăng này bao gồm những bất ổn về kinh tế, lãi suất thấp hơn và căng thẳng địa chính trị.
Peter Grant - nhà phân tích tại Zaner Metals, nhận định vàng tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ những bất ổn, liên quan đến việc Mỹ áp mức thuế mới 10% với Trung Quốc và các biện pháp trả đũa từ quốc gia này, khiến thị trường lo lắng. Từ đó, dòng tiền tìm đến nơi trú ẩn an toàn là yếu tố chính chi phối giá vàng .
Joseph Cavatoni- nhà phân tích thị trường tại WGC, nhận định việc sở hữu vàng của các ngân hàng trung ương vẫn mạnh mẽ. Bởi lẽ gánh nặng nợ chính phủ ngày càng tăng, bối cảnh địa chính trị thay đổi sẽ thúc đẩy nhiều quốc gia tiếp tục mua vàng.
Hội đồng cũng kỳ vọng rằng các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách dưới thời chính quyền mới của Mỹ, sẽ nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị.