Trong thời gian vừa qua, giá vé máy bay tăng cao đã tác động rất lớn tới nhu cầu đi lại của người dân, kéo theo đó, ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng năng nề, phân tích về giá vé máy bay tăng cao, ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: "Có nhiều yếu tố chi phí đầu tác động vào vận tải hàng không dẫn tới biến động giá vé máy tăng".
Ông Cảm phân tích: "Giá nhiên liệu tăng cao đã chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí một chuyến bay (xấp xỉ 40%)".
Cùng với đó, giá vé máy bay còn bị tác động bởi giá thuê động cơ và phụ tùng máy bay tăng cao trong bối cảnh thiếu hụt máy bay trên toàn cầu (Airbus sửa chữa động cơ tàu bay, Boeing gặp vấn đề kỹ thuật về tàu bay mới), các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc thuê mới bổ sung với chi phí thuê máy bay tăng cao.
Nguyên nhân khác khiến giá vé máy bay tăng cao được ông Cẩm phân tích là do chênh lệch tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ thời gian gần đây tăng mạnh, đã ảnh hưởng lớn, làm tăng chi phí hoạt động của hãng hàng không do phần lớn khoản chi của hãng thanh toán bằng ngoại tệ.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân biến động nguồn cung sụt giảm, cung cầu thị trường vận tải hàng không nội địa thay đổi đặc biệt vào những giai đoạn cao điểm lễ, Tết khi nhu cầu tăng đột biến
Đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác dao động từ 165 - 170 máy bay, giảm khoảng 40 - 45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.
Ông Cẩm chỉ ra, nguyên nhân khác là từ việc giảm đội máy bay do việc triệu hồi động cơ Pratt&Whitney (được sử dụng trên đội tàu bay A321 của các hãng hàng không Việt Nam) và các hãng hàng không Bamboo Airways và Pacific Airlines đang thực hiện tái cơ cấu hoạt động.
Theo ông Cẩm, đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới đây sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước.
Với tình trạng các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu cao, những thay đổi về tính bền vững, tình hình nâng cấp đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng tàu bay, vấn đề thiết hụt nhân lực, giá phục vụ tại các cảng hàng không… tiếp tục diễn ra như hiện nay, dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Nói ra giải pháp nhằm giảm giá vé máy bay, ông Cảm cho rằng, trong năm 2024, hàng không Việt Nam đã triển khai sớm các giải pháp hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, bảo đảm cung ứng phù hợp, cân đối các đường bay, thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách.
Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho các hãng hàng không tăng cường hoạt động, tối ưu khai thác đội máy bay hiện hữu; đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, đàm phán thuê tàu bay bổ sung trong giai đoạn cao điểm; bảo đảm hiệu quả công tác điều phối giờ cất, hạ cánh; điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay trong ngày của các hãng trông việc giảm thời gian quay đầu tàu bay để chuyển tiếp chặng bay.
Song song đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện đúng quy định về giá vận chuyển hành khách, đồng thời khuyến khích các hãng hàng không nghiên cứu, tiết giảm chi phí, triển khai các chính sách khuyến mãi, ưu đãi giá vé cho hành khách trên các đường bay nội địa phù hợp...
Các cơ quan, đơn vị liên quan sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập hãng hàng không mới khi nhận được đề xuất của doanh nghiệp, qua đó tăng cường lực lượng vận tải hàng không, nâng cao năng lực nội tại của thị trường, tăng thêm tính cạnh tranh, tạo điều kiện cho các hãng cung ứng thêm nhiều mức giá thấp, đa dạng và phù hợp với nhu cầu của hành khách.
Cục Hàng không Việt Nam quan tâm phối hợp với các cơ quan thuộc bộ, ngành liên quan, đặc biệt với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố để thúc đẩy và phát triển hoạt động kết nối hàng không - du lịch, tập trung tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không, hành khách đi/đến các điểm du lịch.
Đồng thời, xem xét sớm tổ chức Hội nghị liên ngành du lịch và hàng không quảng bá, giới thiệu chương trình, địa điểm và sản phẩm, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, các thức tổ chức vận hành, phối hợp giữa hai ngành trong phát triển kinh tế du lịch; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho ngành hàng không - du lịch...
Bên cạnh đó, cần tăng cường nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mối quan hệ kinh tế hàng không với các bộ phận trong nền kinh tế quốc gia, tác động của hàng không đến các chỉ số kinh tế, tiêu dùng, phát triển xã hội... để có những cơ ở tin cậy, hiệu quả đề ra các chính sách, tác động nhằm phát triển bền vững, toàn diện ngành hàng không nói riêng và kinh tế quốc gia nói chung.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dù đang bước vào giai đoạn cao điểm mùa du lịch hè, tuy nhiên giá vé chưa gồm thuế, phí, phụ thu dịch tăng thêm đối với hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa chỉ dao động trong khoảng 30% - 70% mức tối đa được quy định.
Khi đặt vé máy bay khởi hành vào cuối tháng 6 – dịp cao điểm hè, đơn cử trên đường bay "vàng" TP.HCM - Hà Nội, Vietnam Airlines cung ứng vé ở mức giá từ 1,2 - 1,7 triệu đồng/chiều (35%-50% mức tối đa), Vietjet Air có mức giá từ 0,8 - 1,4 triệu đồng/chiều (24% - 42% mức tối đa), Bamboo Airway và Vietravel Airlines có mức giá từ 0,9 - 1,3 triệu đồng/chiều (27% - 39% mức tối đa).
Trên đường bay du lịch như Hà Nội – Đà Nẵng, Vietnam Airlines cung ứng vé từ 0,6 - 1,7 triệu đồng/chiều (21%-56% mức tối đa), Vietjet Air có mức giá từ 0,5 - 1,6 triệu đồng/chiều (18%-42% mức tối đa), Bamboo Airways từ 0,95 - 1,7 triệu đồng/chiều (33% - 56% mức tối đa), Vietravel Airlines từ 0,7 - 1,5 triệu đồng/chiều (24% - 52% mức tối đa)…