Trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, đề xuất các giải pháp nhằm giảm giá vé máy bay, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, nhằm khôi phục nhanh chóng ngành du lịch và hàng không sau đại dịch, các đơn vị trong ngành có thể cùng kết hợp để xây dựng các sản phẩm du lịch trọn gói/bán trọn gói với hình thức mới, mức giá mới, phù hợp với mong muốn được quay trở lại trải nghiệm của khách hàng một cách an toàn, tiện lợi.
Bên cạnh đó, với các chính sách mới ban hành của Chính phủ về việc cấp thị thực điện tử, nâng thời hạn thị thực lên 45 ngày với 13 quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi đi/đến Việt Nam. Do vậy, dự báo thị trường hàng không quốc tế sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2024.
TS. Bùi Doãn Nề cho rằng: "Sự phát triển của ngành hàng không luôn song hành với sự phát triển của ngành du lịch".
Để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) mong muốn sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, các cơ quan quản lý, các địa phương, đặc biệt là Cục Du lịch Quốc gia, Bộ VH-TT-DL trong việc phát động điểm đến Việt Nam với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và bài bản.
Những chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không và Du lịch sau đại dịch nên được tiếp tục quan tâm và duy trì, trước mắt đến hết năm 2025 được TS. Bùi Doãn Nề kiến nghị gồm:
Một là, các cơ quan quản lý, ngoài việc tiếp tục các hoạt động quảng bá điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn của khu vực; Chính phủ cũng cần tiếp tục các giải pháp ứng dụng công nghệ số, để đồng bộ hóa và kiểm soát dữ liệu nhằm tối ưu công tác quản lý và chia sẻ thông tin của các cơ quan, hãng hàng không, công ty lữ hành - du lịch cũng như giúp khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn trong quá trình đi máy bay và trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại các địa phương...
Ngoài ra, để hỗ trợ cho hành khách, Chính phủ nên tiếp tục cải tiến, ban hành các quy định, thủ tục, hướng dẫn cho khách du lịch quốc tế, liên tục cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là, xây dựng chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn ngành du lịch trong sự kết nối với các ngành khác và cần có cơ quan theo dõi, đốc thúc việc triển khai các chương trình cụ thể.
Ba là, đa dạng hoá thị trường nguồn khách du lịch và loại hình du lịch nhằm giảm rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường hay một số đối tượng khách nhưng đồng thời xác định các thị trường trọng điểm để có những đầu tư đáng kể và có hiệu quả cao; chú trọng phát triển du lịch xanh, bền vững;
Bốn là, Từng bước mở rộng số lượng nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam; đơn giản hoá, tự động hoá các thủ tục liên quan đến cấp thị thực và nhập cảnh.
Về giá vé máy bay tăng cao, ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: "Có nhiều yếu tố chi phí đầu tác động vào vận tải hàng không dẫn tới biến động giá vé máy tăng".
Ông Cẩm phân tích: "Giá nhiên liệu tăng cao đã chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí một chuyến bay (xấp xỉ 40%)".
Cùng với đó, giá vé máy bay còn bị tác động bởi giá thuê động cơ và phụ tùng máy bay tăng cao trong bối cảnh thiếu hụt máy bay trên toàn cầu (Airbus sửa chữa động cơ tàu bay, Boeing gặp vấn đề kỹ thuật về tàu bay mới), các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc thuê mới bổ sung với chi phí thuê máy bay tăng cao.
Nguyên nhân khác khiến giá vé máy bay tăng cao được ông Cẩm phân tích là do chênh lệch tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ thời gian gần đây tăng mạnh, đã ảnh hưởng lớn, làm tăng chi phí hoạt động của hãng hàng không do phần lớn khoản chi của hãng thanh toán bằng ngoại tệ.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân biến động nguồn cung sụt giảm, cung cầu thị trường vận tải hàng không nội địa thay đổi đặc biệt vào những giai đoạn cao điểm lễ, Tết khi nhu cầu tăng đột biến
Đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác dao động từ 165 - 170 máy bay, giảm khoảng 40 - 45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.