Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – mã chứng khoán VGT) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 5.049 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ trong khi giá vốn chỉ tăng 3% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 524,5 tỷ đồng, tăng mạnh 39% so với quý 3 năm ngoái.
Trong quý đáng chú ý doanh thu tài chính giảm 25 tỷ đồng còn chi phí tài chính lại tăng hơn gấp đôi, lên 179 tỷ đồng do tăng chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới quý 3 Vinatex cũng chỉ ghi nhận lãi sau thuế 213,3 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt hơn 130 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần đạt 14.441 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017 và mới hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 33 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ ghi nhận 64 tỷ đồng lãi từ thanh lý các khoản đầu tư. Còn chi phí tài chính tăng đột biến 161 tỷ đồng so với cùng kỳ dù công ty đã hoàn nhập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính 27 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lỗ tỷ giá và chi phí lãi vay bất ngờ tăng mạnh.
Kết quả Vinatex báo lãi trước thuế gần 731 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 93% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế đạt 671 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 409 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 3 lượng hàng tồn kho Vinatex đạt 4.138 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 90 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 22.114 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với đầu kỳ. Nợ phải trả 14.150 tỷ đồng, tăng 1.066 tỷ đồng so với đầu kỳ, trong đó ghi nhận dư vay phát hành trái phiếu và nợ thuê tài chính ngắn hạn 5.233 tỷ đồng (tăng 407 tỷ đồng) và dư vay trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính dài hạn đến 5.253 tỷ đồng (tăng 165 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu đạt 7.933 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 5.000 tỷ đồng.
"Của để dành" của Vinatex cũng thật đồ sộ với 580 tỷ đồng LNST chưa phân phối, với 548 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, với 11 tỷ đồng trong các quỹ khác thuộc chủ sở hữu, có gần 30 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và hơn 42 tỷ đồng thuộc vốn khác của chủ sở hữu. Ngoài ra Vinatex ghi âm 740 tỷ đồng chênh lệch đánh giá lại tài sản.
Xem thêm BCTC