Theo một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá xăng bình quân trên thị trường đang có xu hướng tăng mạnh, bình quân tăng 4-6% so với kỳ điều hành trước đó. Trong khi đó, giá dầu lại đang có xu hướng giảm.
Theo vị lãnh đạo này, kỳ điều hành trước nhà điều hành đã kìm giá xăng bằng cách chi quỹ bình ổn rất lớn khiến cho tình hình giá rất căng thẳng. Doanh nghiệp dầu mối xăng dầu đang lỗ 300 - 500 đồng/lít. Do đó, trong kỳ điều hành ngày 2/4 này giá xăng có thể tăng mạnh, còn giá dầu có thể giảm nhẹ.
Tuy nhiên, vị này cho biết mức tăng giảm còn phụ thuộc vào việc chi quỹ bình ổn xăng dầu của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo dữ liệu giá cơ sở của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này với RON 92 là 75 USD một thùng, RON 95 gần 76,45 USD một thùng, tăng 4-5% so với kỳ trước. Còn giá dầu, đang giảm khoảng 2% so với kỳ điều chỉnh trước đó. Do đó, kỳ điều chỉnh 2/4 giá xăng có thể tăng mạnh, dầu giảm.
Trước đó, trong kỳ điều hành ngày 18/3, Bộ Công Thương đã giữ ổn định giá xăng E5RON92 không cao hơn 17.211 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 18.549 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 15.868 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 14.885 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.083 đồng/kg.
Để kìm được giá xăng, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá ở mức độ sâu hơn để kìm giá: Xăng E5RON92 chi 2.801 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 2.000 đồng/lít); Xăng RON95 chi 2.061 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.250 đồng/lít); Dầu mazut là 1.640 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 1.400 đồng/kg).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc kìm giá xăng bằng cách xả quỹ lớn như vậy sẽ gây bất ổn lên thị trường, hệ lụy là xăng sẽ tăng giá sốc trong các kỳ điều hành tiếp theo vì quỹ bình ổn dần cạn.