Theo đánh giá cá nhân của TS. Nguyễn Minh Châu và ThS. Lê Thanh Nga, Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những căng thẳng về chính trị giữa các nước, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đẩy giá dầu thế giới năm 2019 tăng so với năm 2018.
Mặt hàng xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng gần 3% trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI của Việt Nam. Do đó, giá dầu thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tăng thêm được cộng hưởng bởi tỷ giá VND/USD dự báo tăng khoảng 3% và việc điều chỉnh thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu áp dụng từ ngày 01/01/2019.
Không chỉ vậy, do xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất khác nên sự tăng giá của mặt hàng này sẽ tiếp tục làm tăng giá các mặt hàng khác.
Cùng với đó, các vị chuyên gia này nhận định, giá điện có khả năng sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2019 cùng với giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.
Đáng chú ý là mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 01/01/2019, mức lương cơ sở tăng 100.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2019 sẽ làm tăng giá một số dịch vụ liên quan đến thuê nhân công, góp phần tăng CPI.
Còn Ths. Nguyễn Thị Tuyết Anh – Viện Kinh tế Tài chính cho hay, năm 2019 sẽ là năm có nhiều nhân tố hỗ trợ để bình ổn giá xăng dầu, trong đó việc nâng cao tính cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu, điều chỉnh giá linh hoạt, mức độ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ sản xuất xăng dầu nội địa…. có tác động ổn định giá rất lớn.
Bên cạnh đó, bà Anh cho rằng giá xăng dầu thế giới đang ở mức thấp và dự đoán về khả năng phục hồi giá cả chậm sẽ là nhân tố kìm giữ giá xăng dầu nội địa trong mức độ kiểm soát được.
"Giá xăng dầu năm 2019 sẽ biến động trong biên độ khoảng 10% so với mức giá bình quân năm 2018", chuyên gia từ Viện Kinh tế Tài chính nhận định.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Nguyễn Lộc An nhận định: Một số loại hàng hóa do nhà nước quản lý giá tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, một số nhóm chuyển từ phí sang giá; giá điện sẽ được điều chỉnh tăng sau thời gian giữ ổn định lâu dài.
"Cung cầu và giá cá mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng diễn biến khó dự báo trước các tác động của quan hệ thương mại giữa các nước lớn và chính sách sản xuất, khai thác của các nhóm quốc gia. Việc thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng sẽ tác động đến giá cả các mặt hàng này trong nước và qua đó tác động đến chi phí chung", ông An cho hay.
Mặc dù cho rằng diễn biến giá cả trong nước năm nay vẫn còn phụ thuộc vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước nhưng ông Phạm Minh Thụy – Viện Kinh tế Tài chính vẫn nhận định nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục… theo lộ trình thực hiện cơ chế giá thị trường và xã hội hóa giá dịch vụ y tế, giáo dục.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia cần tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động bám sát thị trường trong công tác điều hành thị trường trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.