Báo cáo của TCTK cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022. Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64%.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Giá bếp gas tăng 0,75%; giấy ăn tăng 0,47%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0,32%... Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2% tập trung chủ yếu ở mặt hàng chăm sóc cơ thể. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công tăng và nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng. Ngoài ra, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%.
Bên cạnh đó, 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01% và nhóm giao thông giảm 5,51% (làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm). Báo cáo lý giải, nguyên nhân chỉ số giá của nhóm giao thông giảm là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/8/2022, 11/8/2022 và 22/8/2022 làm cho giá xăng giảm 14,52%; giá dầu diezen giảm 12,9%.
Ở chiều ngược lại, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,88%; giá xe máy, xe đạp, xe ô tô mới tiếp tục tăng lần lượt 0,33%, 0,27% và 0,11% do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%). Báo cáo nhận định, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.