Thu ngân sách từ dầu thô tăng 180%
Giá xăng dầu liên tục lập kỷ lục đã giúp nguồn thu ngân sách từ dầu thô dồi dào. Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nội địa ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% dự toán, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, thu từ dầu thô ước đạt 34.116 tỷ đồng, bằng 121% so với dự toán, tăng 180% so với cùng kỳ năm 2021. Giá dầu thô bình quân ước đạt 100 USD/thùng, cao hơn giá dự toán 67,3%.
Trong 6 tháng đầu năm, thu NSNN từ dầu thô ước đạt 34.116 tỷ đồng, bằng 121% so với dự toán, tăng 180% so với cùng kỳ năm 2021. Giá dầu thô bình quân ước đạt 100 USD/thùng, cao hơn giá dự toán 67,3%.
Giá dầu thô neo ở mức cao không chỉ giúp ngân sách nhà nước thu từ dầu thô dồi dào mà các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực dầu khí cũng đạt lợi nhuận cao.
Với đặc thù doanh nghiệp nhà nước, kết quả kinh doanh của DN dầu khí sau khi trích lập quỹ dự phòng, trả cổ tức cho cổ đông (với DN đã cổ phần hoá), phần lợi nhuận sẽ nộp về ngân sách nhà nước.
Là một trong những DN nhà nước lớn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt và vượt hầu hết chỉ tiêu tài chính. Cụ thể, tổng doanh thu PVN đạt 468,3 nghìn tỷ đồng, vượt 2 lần so với kế hoạch 6 tháng, đạt 84% kế hoạch năm, tăng 55% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách toàn tập đoàn đạt 66,1 nghìn tỷ đồng, vượt 2,2 lần so với kế hoạch 6 tháng, tăng 41% so với cùng kỳ 2021.
Nguồn thu từ dầu thô tăng mạnh. Trong ảnh, khai thác dầu thô tại các mỏ do PVN quản lý. Ảnh: PVN
Giá dầu thô tăng cao cũng giúp cho doanh nghiệp lọc hoá dầu hưởng lợi. Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR-đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) cho biết, thời gian qua, nhà máy tăng công suất để tối đa hóa lợi nhuận (do thuận lợi về thị trường) và đảm bảo nguồn cung trong nước để bù đắp khó khăn trong thị trường nhập khẩu.
Theo ông Dương, kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm của BSR tăng trưởng vượt bậc so với kỳ vọng đặt ra ban đầu và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.
Chuyên gia tiếp tục đề xuất giảm thuế TTĐB, VAT
Đối nghịch với thu NSNN, giá xăng liên tục tăng cao khiến người dân, doanh nghiệp nói chung rơi vào thế kiệt quệ. Có tới 50% số tàu cá nằm bờ vì giá xăng tăng quá cao. Đi kèm với đó, hàng vạn gia đình ngư dân gặp khó khăn.
Gần đây nhất, tại cuộc họp tháo gỡ (khó khăn) cho DN do Bộ KH&ĐT tổ chức, hơn 20 hiệp hội ngành hàng từ da giày, thuỷ sản, vận tải đồng loạt kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp giảm giá xăng dầu để “cứu doanh nghiệp”.
Trước kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa thông qua việc giảm thuế BVMT với xăng dầu. Cùng với đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, việc giảm thuế BVMT thêm 1.000 đồng/lít xăng dầu không có nhiều ý nghĩa. Mức giảm này khó đạt mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Trước ý kiến, giảm thuế đang cấu thành trong giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách, VEPR cho rằng, nguồn thu từ dầu thô tính từ đầu năm đến nay tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ (do giá xuất khẩu dầu thô tăng).
“Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng lại là nước xuất khẩu dầu thô nên khá trung lập về nguồn thu. Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng mạnh và vượt dự toán đề ra. Do vậy, nếu nguồn thu từ các loại thuế cố định trên giá xăng dầu bị giảm (do chính sách điều tiết mới) sẽ được cân đối một phần từ nguồn thu dầu thô xuất khẩu”, chuyên gia từ VEPR nói.
Với mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, VEPR đề xuất, ngoài giảm thuế BVMT, cơ quan chức năng cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu, tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31/12/2022.
“So với việc giảm một mức cố định, thì miễn giảm loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành (như thuế TTĐB, VAT) sẽ đảm bảo tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế”, VEPR đề xuất.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, người nghèo là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi giá xăng dầu liên tục tăng.
Theo ông Doanh, xăng dầu là mặt hàng đầu vào cho nhiều ngành kinh tế, mỗi khi giá xăng tăng kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng giá. Khi giá hàng hoá tăng, người giàu có thể chịu đựng được nhưng gây ra gánh nặng đè lên vai người nghèo, bởi thu nhập của họ quá thấp. Trong lúc này, Chính phủ nên có thêm chính sách hỗ trợ người nghèo, để giúp họ vượt qua khó khăn.
“Trong lúc này, Chính phủ nên tìm cách cắt giảm các loại thuế để kìm hãm giá xăng dầu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, ông Doanh nói.