Sau khi giá xăng, dầu đồng loạt được điều chỉnh tăng hồi đầu tháng 4 vừa qua với mức tăng trên 1.000 đồng/lít, cá biệt có mặt hàng xăng tăng đến gần 1.500 đồng/lít. Đến kỳ điều hành ngày 17/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục điều chỉnh tăng giá xăng, dầu một lần nữa, nâng tổng mức tăng của mặt hàng này tính từ cuối tháng 3/2019 lên trên 2.000 đồng/lít (với riêng 2 mặt hàng xăng 5RON92 và RON95-III).
Doanh nghiệp vận tải thêm "đau đầu"
Vì xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế, nhiều loại hình dịch vụ và đặc biệt là chi phí cơ bản trong phân phối, lưu thông hàng hóa… cho nên khi giá của mặt hàng này liên tiếp tăng thì dù không muốn, giá của nhiều loại mặt hàng, dịch vụ khác sẽ bị ảnh hưởng và có hướng tăng theo là điều dễ hiểu.
Đại diện phía các doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, giá điện đã tăng và giá xăng dầu lại tăng liên tiếp trong thời gian gần đây chắc chắn khiến cho hoạt động tiêu dùng của người dân và sản xuất của doanh nghiệp gặp khó. Trong đó, ngành thép lại là một trong những ngành tiêu tốn rất nhiều năng lượng để sản xuất.
"Khi giá điện tăng đã khiến cho giá thép của nhiều doanh nghiệp sản xuất buộc phải tăng thêm hơn 100.000 đồng/tấn. Với 2 lần tăng gần đây của giá xăng, gánh nặng về chi phí đầu vào của các doanh nghiệp thép sẽ tăng hơn nữa.", ông Sưa nói.
2 lần liên tiếp trong tháng 4/2019, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng.
Chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất của giá xăng dầu vẫn chính là lĩnh vực vận tải. Khi chi phí về xăng dầu chiếm tới 40% chi phí đầu vào có xu hướng gia tăng thì việc tăng giá cước vận tải là điều khó tránh khỏi. Điều chỉnh giá cước vận tải theo giá xăng dầu luôn là vấn đề làm đau đầu các doanh nghiệp vận tải hiện nay.Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam cho rằng, giá xăng dầu cùng giá điện tăng đang khiến cho áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp lớn hơn. Trong khi giá bán sản phẩm không thể tăng nhiều do yếu tố cạnh tranh, thì việc tăng chi phí đầu vào đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Thành, lái xe con tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho biết, giá xăng tăng làm ảnh hưởng lớn tới thu nhập của mình. Theo anh Thành, mỗi tháng anh chạy hết 5.000 km, tương đương 350 lít xăng và tốn khoảng 7 triệu đồng. Sau 2 lần tăng giá vừa qua, mỗi tháng cánh lái xe sẽ phải chịu thêm hơn 1 triệu đồng tiền xăng.
Anh Nguyễn Trung Thành - lái xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng lo ngại giảm thu nhập do giá xăng tăng cao. |
Khó nhất khi xăng dầu tăng giá lại là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có số đầu xe lớn. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nếu giá xăng biến động nhiều và cứ 15 ngày thay đổi một lần, người tiêu dùng sẽ rất hoan nghênh còn các doanh nghiệp taxi sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
Cụ thể là các hãng taxi phải cài đặt lại đồng hồ tính tiền; vận tải khách phải in và phát hành lại vé. Trong vận tải hàng hóa, do hợp đồng với chủ hàng đã được ký trước theo thời gian dài, nên khi muốn điều chỉnh giá cước sẽ phải đàm phán vô cùng khó khăn đối với chủ hàng.
“Với mặt hàng xăng dầu, việc tăng và giảm giá nên có mức độ thích hợp và không nên cứ tăng vài nghìn đồng nhưng chỉ giảm vài trăm đồng. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu và thị trường nên mong muốn ổn định chu kỳ tăng giảm giá xăng dầu. Hiệp hội đang nghiên cứu cách hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải thay đổi giá cước sao cho phù hợp với các biến động từ giá xăng dầu trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết.
Được điều hành dần theo cơ chế thị trường?
Trong khi Việt Nam chưa hoàn toàn chủ động được nguồn cung xăng dầu, việc phải nhập khẩu và phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá bán xăng dầu trong nước. Hiện tại, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được coi là biện pháp kinh tế hữu hiệu, giúp Việt Nam không phải dùng ngân sách để can thiệp vào giá xăng dầu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét, việc trích lập và chi - sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng chỉ có tác dụng điều hòa một phần nhỏ đối với thị trường xăng dầu trong nước, nhất là khi giá xăng dầu thế giới xu hướng tăng liên tục thì Quỹ này dù có lớn đến mức nào cũng khó có khả năng can thiệp sâu vào giá bán xăng dầu.
Theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nên rút ngắn thời gian của chu kỳ điều hành giá xăng, dầu. Thị trường xăng dầu trong nước nên có phản ứng ngay trong vòng 48 giờ, không nên để chờ đến 15 ngày như hiện nay sẽ quá lâu, không theo sát được diễn biến giá của thế giới nên việc điều hành giá sẽ luôn luôn bị động.
Nhưng tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vẫn khẳng định, xăng dầu hiện đang là một trong số ít những mặt hàng thiết yếu được điều hành dần theo cơ chế thị trường. Nguyên tắc của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là “lúc dư thì đóng vào đó - lúc khó thì lấy ra dùng”. Sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu.
Vì thế theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không phải là can thiệp hành chính mà là biện pháp kinh tế. Nghĩa là lấy xăng dầu nuôi xăng dầu và sẽ không phải tăng giá mặt hàng này trong những thời điểm nhạy cảm.
Nhưng câu chuyện lớn hơn vẫn cần phải tính đến đó chính là việc tăng giá xăng dầu thời gian qua sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019. Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây đang diễn biến bất ổn với xu hướng tăng. Trước diễn biến này, cơ quan chức năng đã tính tới 3 kịch bản chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 với các mức độ tăng giá xăng, dầu khác nhau.
Trong đó, kịch bản thứ nhất là nếu giá xăng, dầu bình quân thế giới tăng 5%, CPI năm 2019 có thể tăng 3,4% so với năm 2018. Kịch bản thứ hai là nếu giá xăng dầu thế giới tăng 10%, khi ấy CPI năm 2019 sẽ tăng khoảng 3,7%. Với kịch bản cuối cùng là giá xăng, dầu thế giới tăng 15% có thể sẽ khiến CPI tăng ở mức 3,8-3,9%./.