Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương vừa có quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu 15 giờ ngày 26/9, theo đó các loại xăng dầu đều tăng trở lại.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 679 đồng/lít, giá bán lẻ hơn 19.620 đồng, giá xăng RON 95 tăng 756 đồng, giá bán lẻ lên đến hơn 20.518 đồng/lít.
Giá dầu tăng từ 300-gần 500 đồng, lít, cụ thể giá dầu diesel tăng 463 đồng, giá bán lẻ hơn 17.506 đồng/lít, giá dầu hoả tăng hơn 320 đồng, giá bán lẻ hơn 17.870 đồng/lít; dầu mazut tăng hơn 531 đồng/lít, giá bán lẻ hơn 15.350 đồng/kg.
Trước đó, tại phiên điều chỉnh giá ngày 19/9, giá xăng E5 RON92 tăng 51 đồng, giá bán lẻ hơn 18.941 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 821 đồng/lít; xăng RON95 tăng 127 đồng/lít, giá bán lẻ không cao hơn 19.762 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel 0.05S giảm 122 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 17.043 đồng/lít; dầu hỏa giảm 239 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 17.551 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 359 đồng/kg, giá bán lẻ không cao hơn 14.826 đồng/kg.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 99/CĐ-TTg ngày 23/9/2024 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng quy trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nếu để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.
Thủ tướng khẳng định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây biến động giá cả và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ nhất là xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận tải, giá vàng... Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình. Thủ tướng yêu cầu Bộ này phải duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.
Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp; chỉ đạo, hướng dẫn việc điều tiết, bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn.
Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo; dứt khoát không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước Nhân dân nếu để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Ngoài lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước Nhân dân nếu thiếu chủ động để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cơ quan này có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước.