Giá xăng được dự báo tăng mạnh
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đầu năm 2021 có nhiều dấu hiệu tích cực, nhiều nước tiếp tục đưa ra các gói kích cầu và một số áp dụng rộng rãi các biện pháp tiêm vắc xin phòng dịch bệnh Covid-19 giúp giá xăng dầu thế giới phục hồi đáng kể. Đến đầu tháng 2, thảm họa thời tiết tại Texas cùng các bang khác đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung dầu của Mỹ khiến giá dầu càng tăng mạnh.
Giá dầu WTI hiện đạt mức 61 USD/thùng, tăng từ mức 52 USD/thùng vào đầu tháng 2 và từ 46 USD/thùng vào đầu năm 2021. Trong khi giá dầu Brent đạt 65 USD/thùng, tăng từ 55 USD/thùng đầu tháng 2 và từ 51 USD/thùng đầu tháng 1.
Theo số liệu Bộ Công Thương, giá xăng dầu bán lẻ Singapore hiện ở mức trên 70 USD/thùng, tăng từ mức 60 USD/thùng đầu tháng 2 và 56 USD/thùng đầu năm 2021. Dù vậy, tính từ kỳ điều hành ngày 26/12/2020, Bộ Công Thương mới tăng giá xăng dầu các loại 2 lần với mức tăng chưa đến 1.000 đồng/lít.
Đơn vị: USD/thùng
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất 10/2, Bộ Công Thương đã quyết định không trích và tiến hành chi quỹ bình ổn giá xăng dầu từ 181 đồng – 1.100 đồng/lít/kg. Mục tiêu là để hạn chế tăng giá các mặt hàng xăng dầu, góp phần bình ổn hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp,
Theo đó, giá xăng RON 95-IV hiện neo ở mức 17.370 đồng/lít và xăng sinh học E5 RON 92-II là 16.300 đồng/lít, dầu hỏa 11.900 đồng/lít, không thay đổi so với kỳ điều hành gần nhất (26/1).
Giá xăng dầu theo kỳ điều hành ngày 10/2. Nguồn: Petrolimex |
Do vậy, nhiều khả năng giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày 25/2. Như vậy, 2 tháng đầu năm, diễn biến giá khá thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Cùng kỳ năm trước, dịch bệnh và cuộc chiến giá dầu khiến giá xăng trong nước cũng được điều chỉnh giảm sâu về vùng 11.000 đồng/lít, các doanh nghiệp phải ghi nhận khoản lỗ lớn khi sản lượng giảm, trích lập dự phòng tồn kho lớn.
Trước diễn biến này, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh kể từ đầu tháng 2. Như cổ phiếu Petrolimex ( HoSE: PLX ) tăng từ vùng giá 48.500 đồng/cp lên 57.300, tương ứng mức tăng 18%; cổ phiếu PV Oil ( UPCoM: OIL ) tăng từ 9.000 đồng/cp lên 11.500 đồng/cp hay cổ phiếu Công ty Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HoSE: PSH) tăng từ 17.200 đồng/cp lên 20.200 đồng/cp.
Với cổ phiếu Petrolimex, SSI Research cho rằng ngoài hoạt động kinh doanh phục hồi thì việc bán cổ phiếu quỹ, cổ phiếu PLX được đưa trở lại vào danh sách đủ điều kiện cho vay ký quỹ và thanh lý một số khoản đầu tư cũng là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng giá trong ngắn hạn 3-6 tháng.
Cụ thể, Petrolimex có kế hoạch bán hết 75 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2021. Mới đây, doanh nghiệp thông báo bán tiếp 25 triệu cổ phiếu quỹ và cổ đông chiến lược Nhật Bản Eneos Corporation đã đăng ký mua toàn bộ.
Đồng thời, Petrolimex đang định giá 40,6% vốn tại PG Bank, dự kiến thoái vốn trong nửa đầu năm thông qua hình thức đấu giá công khai; giảm sở hữu Bảo hiểm Pjico từ 40,95% xuống ít nhất 35,1%, báo cáo SSI Research cho hay.
Sửa đổi Nghị định 83 có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Theo SSI Research, dự thảo sửa đổi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu có thể giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hưởng lợi về phương diện số ngày tồn kho và chính sách giá. Cụ thể, dự thảo điều chỉnh khoảng thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp từ 15 ngày về 10 ngày. Việc này sẽ giúp các đại lý bán lẻ xăng dầu điều chỉnh giá sát với diễn biến thị trường và chi phí đầu vào. Ngoài ra, việc sửa đổi số ngày tồn kho bắt buộc từ 30 ngày xuống 20 ngày cũng tạo điều kiện cho các đại lý phân phối xăng dầu giảm trữ hàng tồn kho cũng như chi phí tài chính.
Báo cáo SSI Research cho biết Petrolimex kỳ vọng việc sửa đổi Nghị định 83 có thể được hoàn tất trong nửa đầu năm 2021 và có hiệu lực vào nửa cuối năm.
Tại thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều giảm đáng kể lượng giá trị hàng tồn kho so với đầu năm.
Như Petrolimex ghi nhận hàng tồn kho trị giá 9.420 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm (-20,3%) nhưng tăng thêm 1.000 tỷ so với cuối quý III/2020 (+13%). Với PV Oil, con số này là 1.828 tỷ đồng, giảm 26% so với đầu năm 2020 và giảm 10% so với cuối quý III/2020. Riêng Công ty Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu tăng giá trị hàng tồn kho so với đầu năm nhưng giảm so với cuối quý III/2020.
Đơn vị: tỷ đồng |
Xét về kết quả kinh doanh thì lợi nhuận các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu năm 2020 đều giảm so với năm trước, tuy nhiên quý IV có sự phục hồi so với các quý trước.
Petrolimex ghi nhận lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2020 đạt 970 tỷ đồng, giảm 77% so với năm trước; riêng quý IV, đạt 933 tỷ đồng, giảm 5%.
PV Oil trong quý IV doanh thu tiếp tục giảm sâu 56% xuống 9.090 tỷ đồng, giá vốn giảm tương ứng nên lãi gộp đạt 620 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Nhờ chi phí tài chính giảm mạnh từ 94 tỷ về 44 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận ròng tăng mạnh từ 14 tỷ lên 141 tỷ đồng. Dù vậy, cả năm PV Oil vẫn lỗ 124 tỷ đồng do quý đầu năm lỗ đến 423 tỷ đồng.
Công ty Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu ghi nhận lãi năm 2020 đạt 28 tỷ đồng, bằng 23% năm trước.