Cụ thể, từ 15 giờ ngày 19/9, giá xăng E5 RON92 tăng 51 đồng, giá bán lẻ hơn 18.941 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 821 đồng/lít; xăng RON95 tăng 127 đồng/ lít, giá bán lẻ không cao hơn 19.762 đồng/lít.
Như vậy, giá xăng chấm dứt phiên giảm giá liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu diesel 0.05S giảm 122 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 17.043 đồng/lít; dầu hỏa giảm 239 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 17.551 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 359 đồng/kg, giá bán lẻ không cao hơn 14.826 đồng/kg.
Như vậy, từ tháng 22/8 đến nay, mặt hàng xăng có 4 lần giảm giá liên tiếp, giá xăng E5 RON 92 đã giảm tổng cộng hơn 1.990 đồng/ lít, từ mức bán lẻ hơn 20.882 đồng, giá bán lẻ ngày 12/9 là hơn 18.890 đồng/ lít; xăng RON95 giảm 2.200 đồng/lít, từ 21.852 đồng/ lít, xuống hơn 19.635 đồng/ lít.
Trong khi đó, giá dầu có phiên thứ 5 điều chỉnh giảm, trong đó dầu diesel cũng giảm hơn 2.187 đồng/ lít, từ mức giá bán lẻ 19.230 đồng/ lít, xuống còn hơn 17.043 đồng/ lít; dầu hỏa giảm gần 2.039 đồng/lít, giá bán lẻ giảm từ mức 19.572 đồng/ lít, xuống còn 17.551 đồng/ lít.
Mới đây, tại cuộc họp về tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cuối năm ở Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kiến nghị Bộ Công Thương giảm mức tổng giao xăng dầu trong năm do thị trường xăng dầu ổn định, giá xăng dầu ít biến động và nguy cơ thua lỗ.
Báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 8 tháng đầu năm 2024 đạt 18,16 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao.
8 tháng đầu năm, số lượng thương nhân thực hiện tổng nguồn là 34 thương nhân, giảm 2 thương nhân so với đầu năm 2024 (1 thương nhân bị thu hồi Giấy xác nhận và 1 thương nhân hết hiệu lực Giấy xác nhận). Có 22/34 thương nhân thực hiện đạt trên 60% kế hoạch thực hiện tổng nguồn tối thiểu phân giao năm 2024, trong đó có 6 thương nhân đạt cao, vượt trên 100%.