Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (UpCOM: OIL) đã công bố BCTC quý 1/2020 với khoản lỗ lên tới
Theo đó doanh thu thuần trong kỳ đạt 17.684 tỷ đồng tăng 4% so với cùng kỳ tuy nhiên giá vốn hàng bán đã chiếm tới 99,7% trong doanh thu thuần khiến lãi gộp chỉ còn 64 tỷ đồng chỉ bằng 1/9 cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ OIL có 103 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 17% so với cùng kỳ chủ yếu từ lãi tiền gửi trong khi đó chi phí tài chính là 67 tỷ đồng, chi phí bán hàng lên tới 430 tỷ đồng và chi phí QLDN là gần 186 tỷ đồng, hoạt động liên doanh liên kết lỗ 15 tỷ đồng nên kết quả OIL lỗ ròng 537,7 tỷ đồng trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 423 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 31 tỷ đồng.
OIL cho biết do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới trong quý 1 làm cho sản lượng kinh doanh xăng nội địa giảm khoảng 11% so với cùng kỳ, sản lượng bán lẻ giảm 6%, quý 1/2020 Chính phủ đã thực hiện 6 kỳ điều chỉnh giảm giá bán lẻ dẫn đến tình hình giá bán lẻ xăng hiện tại đang ở mức thấp nhất trong vòng 11 năm kể từ tháng 4/2009, giá dầu thô Brent trên thị trường thế giới giảm 78%, giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm từ 9.000 đồng đến 10.000 đ/lít.
Ngoài ra tác động mạnh của dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến hết sức phức tạp làm cho tình hình kinh doanh xăng dầu của các đầu mối nói chung và PVOIL nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước 15 ngày đầu tháng 04/2020 thấp hơn giá gốc hàng tồn kho theo sổ sách kế toán tại ngày 31/3/2020 nên Tổng công ty đã phải tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 274,7 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2020 khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền của PVOIL giảm mạnh gần một nửa từ 2.966 tỷ đồng xuống còn 1.510 tỷ đồng do giảm tiền gửi ngân hàng.
Năm 2020 PVOIL dự kiến doanh thu sẽ giảm 35% về còn 52.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 376 tỷ. Chỉ tiêu này của PVOIL xây dựng trên cơ sở dự báo thị trường tại thời điểm cuối năm 2019 với giá dầu thô dự báo 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 1/2020, dịch COVID-19 bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội trên phạm vi toàn cầu. Giá dầu thô và giá các sản phẩm dầu thế giới đều giảm mạnh từ cuối tháng 1/2020 và hiện tại giá dầu thô Brent DTD đã xuống dưới 20 USD/thùng, giảm hơn 70% so với thời điểm cuối năm 2019 do nhu cầu của thị trường giảm bởi tác động ngày càng sâu rộng và chưa được kiểm soát của dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước cũng giảm mạnh. Đối với PVOIL và các đơn vị thành viên PVOIL, tác động kép của cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 và suy giảm giá dầu đã làm sản lượng kinh doanh sụt giảm khoảng 20% so với cùng kỳ - là mức sụt giảm chưa từng xảy ra trước đây và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài.