Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 95-III giảm 1.192 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành về mức 19.635 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng E5RON92 giảm 1.089 đồng/lít xuống mức 18.890 đồng/lít (thấp hơn xăng RON95-III 745 đồng/lít).
Tương tự, giá dầu diesel 0.05S cũng được điều chỉnh giảm 927 đồng/lít, giá bán còn 17.165 đồng/lít. Giá dầu hỏa bán lẻ giảm 934 đồng xuống 17.790 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S giảm 688/kg, xuống 14.467 đồng/kg.
Đối với xăng RON95, đây là mức giá thấp nhất kể từ kỳ điều hành vào ngày 11/6/2021; còn với xăng E5RON92, đây là mức giá thấp nhất kể từ kỳ điều hành vào 12/7/2021.
Năm 2021 mặc dù thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải căng mình chống lại đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất và đi lại bị gián đoạn nhưng không vì thế mà giá xăng giảm đi. Giá xăng liên tục tăng từ đầu năm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố toàn cầu và chính sách nội địa.
Trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP trong đó có thay đổi thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng nhằm phản ánh nhanh chóng các biến động giá thế giới đối với thị trường trong nước.
Chính phủ cũng đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước. Mặc dù giá xăng dầu thế giới tăng trung bình từ 59% đến 76%, giá trong nước chỉ tăng từ 40% đến 52,59%.
Năm 2022 là một năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu khi giá xăng biến động tăng, giảm liên lục trong năm và đã lập đỉnh vào ngày 21/6 khi lên tới 32.870 đồng/lít. Bên cạnh đó, cũng có một số kỳ điều chỉnh mà giá xăng có mức độ biến động lớn lên tới 2000-4000 đồng/lít. Mặc dù đã giảm nhiều loại thuế, phí trong đó giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu nhưng cũng không đủ hoàn toàn để kiềm chế giá xăng dầu trong bối cảnh thị trường toàn cầu giá dầu cũng liên tục tăng.
Giá xăng liên tục lập đỉnh vào những tháng giữa năm xuất phát từ thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động. Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ cũng không tăng sản lượng so với kế hoạch. Cùng thời điểm này, nhu cầu dầu thô cũng tăng cao khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng dầu bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Ở trong nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cũng phục hồi lại sau khi tình hình COVID-19 được kiểm soát.
Tuy nhiên, sau khi giảm liên tục từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 10 thì vào thời điểm cuối năm thị trường lại xảy ra tình trạng thiếu xăng cục bộ, giá xăng có sự tăng nhẹ mà nguyên nhân chính là do nhu cầu trong nước tăng cao khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ cũng như chiết khấu bán hàng suy giảm khiến các nhà bán lẻ xăng dầu cắt giảm sản lượng.
Năm 2023, thị trường xăng dầu tại Việt Nam mặc dù vẫn có những biến động với nhiều đợt điều chỉnh giá hơn nhưng mức độ biến động không lớn như năm 2022 với 19 lần tăng, 14 lần điều chỉnh giảm giá và 3 lần giá không đổi
Trong nửa cuối năm 2023, giá dầu Brent trên thế giới đã có lúc chạm mốc 95 USD/thùng do nguồn cung bị siết chặt bởi OPEC+ và nhu cầu lớn từ Trung Quốc khi nền kình tế nước này phục hồi tốt. Càng về cuối năm thì giá dầu ngày càng hạ nhiệt do những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và lãi suất cao.
Nhìn chung, thị trường xăng dầu Việt Nam trong năm 2023 biến động theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều chỉnh chính sách thuế, phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành đồng thời giúp giá dầu trong nước chịu ít tác động hơn của giá dầu thế giới, giảm bớt áp lực lên lạm phát và người tiêu dùng.
Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước dù có những biến động sau nhiều kỳ điều chỉnh nhưng mức độ biến động không lớn. Theo thống kê của Bộ Công thương, đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp và từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 17 lần tăng, 19 lần giảm; dầu điêzen cũng có 16 lần tăng và 18 lần giảm.
Trên thị trường quốc tế, giá xăng dầu cũng có xu hướng giảm do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: OPEC+ điều chỉnh dự báo nhu cầu dầu năm 2024 giảm so với trước đây và hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu; nhu cầu dầu của Trung Quốc vẫn rất yếu, xung đột quân sự Nga và Ukraina vẫn còn tiếp diễn…