Cuối tháng ba vừa qua đã chứng kiến mức giá xi măng của nhiều công ty đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt là sản phẩm xi măng bao và xi măng rời. Mức tăng phổ biến nhất là 100.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, cũng một số sản phẩm như PCB40 của Xi măng Hoàng Long có mức điều chỉnh thêm 120.000 đồng/tấn hay 2 thương hiệu hiệu xi măng Thành Thắng và Thịnh Thành của Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng tăng tới 150.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết, mức tăng này chưa đủ bù đắp chi phí đầu vào đang tăng “phi mã”. Trong thời gian gần đây, tức giá nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng như xăng dầu và than đá đang chứng kiến mức tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm trước tình hình chiến tranh Ukraine và Nga. Ngay trong tháng ba vừa qua, giá xăng trong nước đã tiến sát mức kỷ lục 30.000đ/lít va than cám phục vụ sản xuất xi măng đã tăng từ 60 USD/tấn lên tới 270 USD/tấn chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3. Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển biến động trong thời gian qua cũng đặt ra khó khăn cho doanh nghiệp xi măng.
“Chúng tôi thường xuyên bị hãng tàu nước ngoài ‘delay’ như một chiêu trò để tăng giá cước” ông Trường trả lời với Báo Đầu Tư.
Thực tế, đây chỉ là diễn biến mới nhất của tình hình xảy ra trong suốt hơn một năm nay. Từ đầu năm 2021, giá của một số loại vật liệu như sắt thép, cát, đá, đất san nền tăng cao đột biến, khiến các hoạt động xây dựng và tiến độ thi công công trình bị ảnh hưởng xấu, phần nào dẫn đến tiêu thụ xi măng giảm. Kết quả, kết quả kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp xi măng năm 2021 đã giảm mạnh hoặc đi ngang, ngay cả ở các doanh nghiệp lớn.
Trong giai đoạn 2019 -2021, xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1), doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn tại khu vực phía Nam đã chứng kiến doanh thu của mình sụt giảm 21%, từ 8839 tỷ đồng xuống còn 7064 tỷ, còn mức lợi nhuận gộp của công ty thì giảm hơn một nửa từ 928 tỷ đồng xuống 462 tỷ đồng.
Tương tự, thương hiệu Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) - thị trường tiêu thụ chính ở khu vực Bắc Trung Bộ và một số tỉnh phía Bắc cũng có kết quả kinh doanh bết bát. Mặc dù doanh thu của doanh nghiệp đi ngang, lợi nhuận của công ty 2021 lại giảm đến 33% so với 2020.
Cùng chịu tình cảnh này, các công ty con của VICEM cũng có một năm kinh doanh ảm đạm. “Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, bình quân mỗi ngày tiêu thụ xi măng của VICEM Hoàng Thạch tại các địa bàn này khoảng 12.000 - 13.000 tấn, nhưng lượng tiêu thụ bình quân trong tháng 7, 8 và 9 chỉ còn ở mức 7.000 - 8.000 tấn/ngày” - ông Nguyễn Quang Mạnh, Trưởng phòng Kinh doanh của Xí nghiệp Tiêu thụ thuộc Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hoàng Thạch cho hay. Điểm sáng hiếm hoi đến từ VICEM Bút Sơn (Mã: BTS) khi lợi nhuận gộp của công ty tăng 3,6 lần về mức 62 tỷ (tương đương 80% con số 2019) mặc dù doanh thu giảm nhẹ. Vicem Hoàng Mai, một phần thuộc nhánh xuất khẩu của VICEM cũng đã chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận 30% và doanh thu 11% so với 2019 bất chấp khó khăn logistics giai đoạn dãn cách.
Theo số liệu Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong 8 tháng năm 2021, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng tháng 8, tiêu thụ trong nước khoảng 4,97 triệu tấn, giảm 23,4% so với tháng 5/2021. Trong tháng 9, sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng tiếp tục giảm so với tháng 8/2021. Mặc dù sản lượng xuất khẩu xi măng 9 tháng đầu năm 2021 đạt 32 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, mức phí logistics tăng cao khiến lợi nhuận không đáng kể
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Cung, là do diễn biến thị trường thời gian qua có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến hiệu quả xuất khẩu xi măng như: chi phí logicstics tăng cao; giá than (nhiên liệu đầu vào) tăng liên tục… dẫn đến lợi nhuận qua xuất khẩu không đáng kể.