Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Lũy kế xuất khẩu hạt tiêu nửa đầu năm ước đạt 132 nghìn tấn và 453 triệu USD, tăng 5,1% về lượng nhưng giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam trong 5 tháng đầu năm gồm Hoa Kỳ (chiếm 18,7%), Ấn Độ (chiếm 9,6%), Pakistan (chiếm 5,4%), Đức (chiếm 4,3%), và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (chiếm 4,1%).
Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh. Cụ thể, giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 6 tháng đầu năm ước đạt 3.438 USD/tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu cũng giảm cùng chiều với xu hướng giá xuất khẩu.Tính đến ngày 23/6, giá hạt tiêu giao dịch ở mức 53.000-56.000 đồng/kg, giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước đó và giảm 2.000 đồng/kg so với đầu tháng.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo: Giá hạt tiêu khó phục hồi trong tháng 7 và các tháng cuối năm. Nhiều hộ trồng tiêu đã cắt giảm diện tích và chuyển sang trồng loại cây khác do giá giảm liên tục và nhiều vùng dịch bệnh trên cây tiêu đang hoành hành.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trước tình trạng này cần tuyên truyền, vận động các hộ nông dân, đơn vị trồng tiêu tổ chức sản xuất tiêu theo các tổ, nhóm, hợp tác xã, có liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng tiêu đúng quy trình, và đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Đặc biệt, cần quản lý chặt quy hoạch, có biện pháp ngăn chặn việc nông dân trồng tiêu một cách tự phát và ồ ạt như các năm vừa qua. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu tiêu cho từng vùng, từng địa phương, nhằm góp phần phát triển bền vững cây tiêu.