5 triệu USD và uy tín của ông Phạm Nhật Vượng – Làm gì cũng phải làm "ra ngô ra khoai"
Mới đây, Vinfast thuộc tập đoàn Vingroup tiếp tục có bước đi thần tốc khi đã hoàn tất hợp đồng sản xuất xe mẫu trị giá 5 triệu USD với nhà nhiết kế hàng đầu Pininfarina.
Đồng thời, công bố mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ thương hiệu ô tô danh tiếng BMW nhằm phát triển sản xuất. Hai chiếc xe mẫu đầu tiên sẽ ra mắt công chúng vào tháng 10/2018 tại triển lãm Paris Motorshow 2018.
Tức, chỉ chưa đầy 1 năm sau khi khởi công, tổ hợp sản xuất Vinfast đã cho ra sản phẩm ô tô đầu tiên, vượt hẳn hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu.
Vingroup cũng cho biết chiếc xe với đặc điểm "Bản sắc Việt – Thiết kế Ý – Kỹ thuật Đức - Tiêu chuẩn quốc tế" sẽ được công bố tại thị trường Việt Nam vào tháng 12/2018. Đặc biệt, phạm vi trưng cầu ý kiến lần này sẽ được mở rộng ra tầm quốc tế, khẳng định niềm tự hào xe Việt.
"Hãng sẽ bắt đầu tiếp nhận các đơn hàng từ đầu năm 2019, tiến tới xuất khẩu xe ra nước ngoài", đại diện Vinfast tuyên bố.
Paris Motor Show là một trong 5 triển lãm ô tô lớn nhất thế giới, bên cạnh Tokyo, Frankfurt, Geneva, và Detroit.
Với bước đi này, dường như Vingroup muốn tuyên bố với cả thế giới rằng Việt Nam có thể sản xuất được ô tô, và là ô tô tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu doanh nghiệp này nhắm tới cũng không chỉ là nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á.
Nhen nhóm giấc mơ ô tô Việt còn dang dở…
Còn nhớ, hồi tháng 5/2017, Bộ Công thương từng thừa nhận gián tiếp trong báo cáo rằng: Mục tiêu ngành công nghiệp ô tô đã thất bại.
Chiếc lược phát triển ngành công nghiệp ô tô lần 1 được phê duyệt vào tháng 12/2002, với tên gọi Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020.
Đến năm 2014, một chiến lược phát triển ngành khác được phê duyệt.
Nhưng nhìn lại sự phát triển của cả ngành này, khi nước bạn Campuchia đã sản xuất được ô tô điện, Bộ Công Thương thừa nhận: Mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam đã chính thức thất bại.
Về giá, giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia, con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Về tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Công Thương cũng thừa nhận thất bại trong việc nâng tỷ lệ nội địa hóa xe dưới 9 chỗ. Bộ từng xây dựng mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Tuy nhiên đến hiện tại chỉ đạt bình quân 7-10%.
Giấc mơ về một chiếc ô tô made in Vietnam tưởng tiếp tục dang dở, nay được nhen nhóm lại với Vinfast.
Những động thái của Vingroup cho thấy doanh nghiệp này nhảy vào lĩnh vực mới không phải chỉ để cho có.
Về nhân sự, Vinfast đã chiêu mộ được ông James B.DeLuca - cựu Phó Chủ tịch tập đoàn ô tô lớn nhất nước Mỹ General Motor, người có 37 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất và kiểm soát chất lượng xe hơi, từng điều hành 200.000 nhân viên tại 171 nhà máy ở 31 quốc gia… và hàng trăm chuyên gia giỏi từ các nền công nghiệp ô tô hàng đầu.
Vinfast cũng đã nhanh chóng bắt tay với các đối tác mang tính chiến lược như linh kiện thì hợp tác với Bosch - tập đoàn sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất thế giới; công nghệ thì hợp tác với Siemens – đại gia công nghệ với các giải pháp vận hành nhà máy hiện đại theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0; về tư vấn thì bắt tay với Magna Steyr - tên tuổi hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực tư vấn và giám sát sản xuất ô tô…
Động thái mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ một trong ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới BMW nhằm phát triển sản xuất cũng cho thấy bước đi của Vinfast không hề đơn giản. Việc mua bản quyền này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đảm bảo có thể sản xuất ra những sản phẩm theo đúng bản quyền sáng chế. Đây cũng là minh chứng cho uy tín của Vingroup – Đã làm phải làm "ra ngô ra khoai".