Trong vài năm gần đây, các nhà đầu tư mạo hiểm đã chạy đua rót hàng tỷ USD vào công nghiệp xe điện – ngành mới nổi lên những nhận được sự hậu thuẫn lớn từ chính phủ. Nhưng hãy nhìn vào những dòng tóm tắt dưới đây để xem cú đặt cược này có thành công hay không:
- Cổ phiếu của Nio, công ty xe điện niêm yết ở Mỹ và được cho là có tiềm năng cạnh tranh ngang cơ với Tesla, đã giảm hơn 50% kể từ đầu năm đến nay, còn khoảng 2,7 USD.
- Tháng 11, chính Chủ tịch kiêm CEO He Xiaopeng của Xpeng, là một trong những nhà đầu tư rót 400 triệu USD vào đây trong vòng gọi vốn mới nhất. Ngoài Alibaba đã tham gia từ trước, Xiaomi cũng mới tham gia với tư cách nhà đầu tư chiến lược.
- BYD, công ty có trụ sở tại Shenzhen nhận vốn đầu tư của Warren Buffett, hồi cuối tháng 10 cho biết lãi ròng giảm 130% trong quý 3. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu BYD giảm tổng cộng 25%.
Những cái tên kể trên là một vài trong số ít các công ty vẫn còn sống sót sau nỗ lực theo đuổi tham vọng tạo ra xe điện "made in China" đã ám ảnh Bắc Kinh suốt thập kỷ vừa qua. Giờ đây, họ đối mặt với tình trạng doanh số bán ra sụt giảm, trợ cấp dành cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới dự kiến sẽ kết thúc vào năm tới và tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể.
Theo giám đốc chiến lược Rupert Mitchell của WM Motor, các startup thậm chí không nghĩ rằng trợ cấp kéo dài đến vậy. Nhưng điều không có trong kế hoạch kinh doanh của họ là ngành ô tô Trung Quốc sẽ lâm vào cuộc suy thoái đầu tiên trong lịch sử.
Chiến lược quốc gia về xe điện
Wan Gang là 1 kỹ sư làm việc tại Audi (Đức) trước khi quay trở về Trung Quốc đầu những năm 2000. 10 năm sau, ông trở thành Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Trung Quốc, dù không phải là đảng viên.
Ông đã thuyết phục chính phủ triển khai chiến lược quốc gia về phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng mới và công nghệ pin, trong khi Bắc Kinh hào hứng với cơ hội trở thành nước đứng đầu thế giới về 1 công nghệ mới nổi. Câu chuyện càng trở nên hợp lý hơn khi Trung Quốc đối mặt với áp lực về ô nhiễm môi trường.
Kết quả là, chính quyền trung ương đã chi ít nhất 33,4 tỷ nhân dân tệ trợ cấp cho ngành xe điện từ năm 2009 đến 2015, theo số liệu của Bộ Tài chính.
Ở thời kỳ bùng nổ, số lượng xe sử dụng năng lượng mới được bán ra trong năm 2014 cao gấp 4 lần so với năm trước đó, và lại tiếp tục tăng thêm 4 lần trong năm 2015, đạt hơn 330.000 xe.
Nhưng năm 2016, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố phát hiện ít nhất 5 công ty đã gian lận để hưởng lợi hơn 1 tỷ nhân dân tệ. Năm đó doanh số bán ra chỉ tăng 57%.
Việc sử dụng trợ cấp sai mục đích không phải là hiếm ở Trung Quốc.
Nghiên cứu của 2 nhà nghiên cứu Philipp Boeing và Bettina Peters, từ năm 2001 đến 2011, khoảng một nửa các công ty nhận được trợ cấp trực tiếp để phục vụ công tác R&D đã sử dụng sai mục đích, ví dụ như để tiêu dùng cá nhân và đem đi đầu tư để kiếm lời. Boeing và Peters kết luận chính sách phát triển xe điện bằng cách tăng chi cho R&D sẽ hiệu quả hơn nếu như được quản lý chặt chẽ hơn và loại bỏ gian lận, nhưng về dài hạn thì sẽ không tác động nhiều đến sản lượng. Đây cũng là vấn đề cốt lõi mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt.
Dẫu vậy, một số startup nổi tiếng vẫn tự tin về khả năng tăng trưởng.
XPeng đặt mục tiêu hòa vốn trong khoảng 2 năm, với kỳ vọng sẽ có khoảng 150.000 chiếc xe của hãng xuất hiện trên đường. Đó là con số cao gấp 10 lần lượng xe mà công ty đã bán ra kể từ tháng 12 năm ngoái, khi Xpeng bắt đầu bán ra chiếc xe thương mại đầu tiên.
WM Motor thì dự tính sẽ hòa vốn trong 12 tháng tới nhờ đẩy mạnh nỗ lực marketing. Công ty đang huy động 1 tỷ USD, mà theo lãnh đạo WM Motor là sẽ có thể cung cấp đủ tiền để hoạt động cho tới khi IPO.
Các công ty khác cũng bắt đầu tung xe sử dụng năng lượng mới ra thị trường. Aiways, startup đã khoe rằng họ có chứng chỉ để bán xe ở EU, mới đây thông báo sẽ bắt đầu bán những chiếc SUV đầu tiên. Nio – liên doanh giữa 1 công ty xe hơi truyền thống và 1 startup — dự tính bắt đầu tung ra chiếc SUV điện đầu tiên với thương hiệu Hycan ngay trong tuần này.