Số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, ước đến cuối tháng 10/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 297.700 tỷ đồng, bằng 46,44% kế hoạch, đạt 51,34% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch năm không còn nhiều. Các đơn vị đang tăng tốc nhằm đưa gần 300.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, đạt mục tiêu giải ngân trên 90% cho cả năm 2022.
Đầu tư công được cho vẫn còn những tồn tại, hạn chế - Ảnh minh họa: VnE
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2022, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công theo hướng quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được phân cấp cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án nhóm B, nhóm C và dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Thực tế, sau quyết sách của Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt, trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh và bền vững của nền kinh tế, đã có nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, thành lập 06 Tổ Công tác của Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, cho tới nay, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Không ít nguyên nhân đã được chỉ ra, từ khách quan như: Năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các Bộ ngành và địa phương triển khai nhiều dự án khởi công mới cần nhiều thời gian để chuẩn bị dự án nên tiến độ thực hiện các dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư…
Các nguyên nhân chủ quan như: Vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đơn giá đền bù; chất lượng kế hoạch, công tác chuẩn bị dự án chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; việc lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế; Năng lực hạn chế của ban quản lý dự án, cán bộ làm công tác đầu tư tại các cấp; không tuân thủ đúng quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt dự án;…
Vẫn còn đó những “điểm nghẽn” từ thể chế, đặc biệt là thể chế công - Ảnh minh họa: VnE
Thế nhưng, theo các chuyên gia, bên cạnh những nguyên nhân đã nêu, vẫn còn đó những “điểm nghẽn” từ thể chế, đặc biệt là thể chế công.
Theo GS. Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, sự manh mún và thương mại hóa là những hạn chế lớn đối với đầu tư công của Việt Nam.
“Có quá nhiều dự án nhỏ, được lập kế hoạch tách biệt với các kế hoạch phát triển quốc gia và khu vực, được quản lý bởi chính quyền địa phương thiếu năng lực thiết kế, thẩm định, cấp vốn và thực hiện chúng. Thiếu sự phối hợp không chỉ dẫn đến lãng phí và kém hiệu quả, mà còn quan trọng hơn - là một cơ hội bị bỏ lỡ trong việc điều chỉnh đầu tư công cho các ưu tiên quốc gia như thúc đẩy xuất khẩu, chuyển đổi năng lượng, thu hút đầu tư và sinh kế bền vững. Chi đầu tư cũng không liên quan đến ngân sách thường xuyên, dẫn đến thiếu chi cho hoạt động và bảo trì, và chất lượng cơ sở hạ tầng xuống cấp nhanh chóng…”, GS. Jonathan Pincus phân tích.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia UNDP cũng cho rằng, Luật Quy hoạch năm 2017, có hiệu lực vào năm 2019, kêu gọi tăng cường cơ chế quy hoạch vùng, nhưng điều này đã không được thực hiện. Luật Đầu tư công 2019 có hiệu lực từ năm 2020 đưa ra các biện pháp phân cấp bổ sung để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện. Theo Luật, các bộ và tỉnh được trao thẩm quyền phê duyệt và phân bổ vốn cho các dự án ngắn hạn và trung hạn (tối đa 5 năm) mà không cần sự phê duyệt của chính quyền trung ương. Luật cũng tạo ra hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tăng cường giám sát và đánh giá các dự án.
“Chúng tôi chưa biết chính quyền địa phương và các bộ sẽ hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở mức độ nào trong việc thiết lập và phổ biến cơ sở dữ liệu. Nhưng dự án chậm trễ là phổ biến, đặc biệt là đối với các dự án nhỏ và số lượng dự án quá hạn đã tăng lên theo thời gian”, GS. Jonathan Pincus chia sẻ.
Theo Luật Đầu tư công, các dự án loại A có ý nghĩa quốc gia và được phê duyệt bởi Thủ tướng, trong khi các dự án loại B và C được phân nhóm theo quy mô đầu tư, được phê duyệt bởi các nhà xúc tiến dự án.
Mặc dù ghi nhận việc thực hiện các thể chế một cách nghiêm túc, Việt Nam đã đạt được thành công kinh tế đáng kể trong ba thập kỷ qua, tuy nhiên, GS. Jonathan Pincus cho rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về phát triển trong những thập kỷ tới. Trong đó, ông nhấn mạnh, sự phân tán thẩm quyền và thương mại hóa các thể chế Nhà nước đang kìm hãm năng lực của Việt Nam trong việc ứng phó với những thách thức này.
“Đầu tư công manh mún đã làm giảm hiệu quả và tác động của nó, chuyển các nguồn lực công khan hiếm vào các dự án nhỏ và triển khai kém, đồng thời làm chậm trễ các dự án quan trọng quốc gia. Giải quyết vấn đề có thể liên quan đến việc thiết lập một hệ thống phân cấp thẩm quyền rõ ràng hơn, bao gồm các mục tiêu cụ thể và không thể thương lượng cho chính quyền ngành và địa phương gắn với các chiến lược và kế hoạch quốc gia”, GS. Jonathan Pincus khuyến nghị.