Giải cứu cũng là một khoản đầu tư
Các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách về vốn để "giữ cánh" cho hàng không Việt” do Tạp chí VnEconomy tổ chức ngày 2/8 cho rằng, giải cứu cũng là một khoản đầu tư.
PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dưới góc độ tài chính, các doanh nghiệp (DN) hàng không Việt Nam hiện nay nói một cách ví von cũng giống như một bệnh nhân đang bị nhiễm Covid-19, dòng tiền đang rất cạn kiệt, rất cần được “trợ thở”, giải cứu. Vì vậy, phải giải cứu ngành hàng không, cho dù đó là một hãng bay của Nhà nước hay tư nhân, nên cần thiết phải hỗ trợ. Cứu ngành hàng không không phải chỉ giải cứu riêng ngành hàng không thôi, mà còn để giải cứu rất nhiều ngành nghề khác.
Nếu không giải cứu, không hỗ trợ tài chính cho các DN hàng không thì các DN này sẽ gặp 2 rủi ro lớn. Đó là rủi ro thanh khoản, có nghĩa là DN sẽ không có đủ tiền chi trả đáp ứng các khoản chi trả gồm các khoản nợ ngắn hạn của ngân hàng, nợ nhà cung cấp, trả lương cho hàng ngàn lao động… Nếu điều này không được giải quyết một cách cấp bách thì rủi ro thanh khoản là sự mất mát trong doanh thu sẽ dẫn đến rủi ro nguy hại nhất là rủi ro kiệt quệ tài chính của DN. Khi tình trạng kiệt quệ tài chính của DN không được “cứu chữa” một cách kịp thời thì nó sẽ để lại hậu quả tái cấu trúc rất tốn kém trong tương lai, thậm chí phá sản.
Theo PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, việc giải cứu, hỗ trợ này được xem như một khoản đầu tư của Nhà nước, vì sớm hay muộn thì Nhà nước cũng sẽ thoái vốn khỏi các DN hàng không này khi các DN phục hồi và làm ăn có lãi. Ông cũng nhấn mạnh rằng, khi các DN lớn của thế giới khó khăn, Chính phủ đứng ra quốc hữu hóa một phần tài sản, một phần vốn để giải cứu ngành, rất bình thường. Việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bơm tiền ra để mua cổ phiếu của Vietnam Airlines (VNA) nói riêng hay sắp tới là các hãng hàng không tư nhân rồi sau đó sẽ thoái vốn cũng là một điều bình thường và cần thiết.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, giải cứu cũng là một khoản đầu tư, khoản đầu tư vừa là ngắn hạn, vừa là trung dài hạn. Đồng thời việc này cũng là nuôi dưỡng nguồn thu vì triển vọng ngành hàng không về cơ bản rất tốt. Tuy nhiên, phương án giải cứu hỗ trợ phải là những giải pháp đồng bộ, vừa là hỗ trợ về thanh khoản trước mắt, vừa là giải cứu hỗ trợ ngắn hạn cũng như trong trung, dài hạn và đương nhiên hỗ trợ phải có điều kiện. Ngoài ra, không thể hỗ trợ nếu tách rời với câu chuyện thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Hỗ trợ thế nào?
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, tất cả các hãng hàng không đều có nhu cầu vay vốn, cứu trợ. Trường hợp của VNA phải có nghị quyết của Quốc hội mới tiếp cận được vốn, nên các hãng tư nhân khác như Vietjet, Bamboo, Viettravel muốn tiếp cận được cũng cần phải có nghị quyết từ Quốc hội.
Ông cho rằng, Chính phủ chỉ cần tạo ra cơ chế, không cần phải cho vốn, các ngân hàng không thiếu vốn, chỉ thiếu cơ chế. Vấn đề là cơ chế, làm sao tạo ra các cơ chế để các DN hàng không có thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng và ngân hàng có thể giải quyết cho vay đúng quy định, trong khuôn khổ pháp lý cho phép. Có như vậy mới có thể tháo gỡ được khó khăn cho các DN hàng không, đặc biệt là các DN bay tư nhân.
TS. Nguyễn Sỹ Hưng - nguyên Tổng Giám đốc VNA cho rằng, để các DN bay tư nhân được hỗ trợ như VNA là không thể vì đây là DN Nhà nước nắm giữ 86% cổ phần nên không thể có chuyện hỗ trợ vay vốn 0% cho DN tư nhân được. Hỗ trợ các DN tư nhân bằng cách tạo hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách để DN tư nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn. Nên chăng các DN tư nhân cũng làm gói theo gói tăng vốn, huy động thêm vốn bằng cách bán cho các cổ đông hiện hữu như cách VNA đang làm, nhưng điều quan trọng là bán với giá bao nhiêu để có thể tăng được vốn và giải quyết được khó khăn.
Hai là, việc lãi suất thỏa thuận tái cấp vốn các hãng bay tư nhân, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để họ tự tiếp cận với ngân hàng, tự thỏa thuận với nhau các gói điều kiện những gì, lãi suất bao nhiêu. Sau khi đàm phán, còn các nút thắt nào về pháp lý, vướng ở đâu thì đề nghị Chính phủ tháo gỡ, xử lý ở đó.
Theo PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trong câu chuyện giải cứu ngành hàng không, phải đặt ra mục tiêu kép làm sao để chiến dịch giải cứu đó phải thắng lợi, phải cứu sống, hồi phục được ngành và tạo đà tăng trưởng cho ngành. Đồng thời, mục tiêu rất quan trọng là phải bảo toàn được vốn ngân sách nhà nước (NSNN), cân đối được NSNN, tạo được sự bền vững cho NSNN. Vì vậy, câu chuyện giải cứu phải được đặt trong bối cảnh như vậy.
Ông cho rằng, triển vọng ngành hàng không rất bất định, có thể còn tiếp tục khó khăn, có thể sự hồi phục rất mạnh mẽ khi dịch bệnh được khống chế. Triển vọng có thể còn u tối nhưng cũng có thể tươi sáng. U tối thì trả mức lãi vay khác nhưng tươi sáng thì trả lãi vay khác, nó phải phù hợp với sự phục hồi ngành hàng không thì mới công bằng với ngân sách.
Vị chuyên gia này đưa ra khuyến nghị, nên áp dụng quyền chọn trần sàn lãi suất hoặc dựa trên ý tưởng đó để thiết kế một kế hoạch trả nợ sao cho công bằng với ngân sách và tiền thuế của dân. Bên cạnh đó thì ngành hàng không cũng cần phải có kế hoạch hành động trong trung và dài hạn để thấy rằng, đây là một chiến lược nghiêm túc, nghĩa là phải đón đầu sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam và sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, để xứng đáng với khoản hỗ trợ…
Theo PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng nhấn mạnh, việc SCIC bơm tiền mua cổ phiếu của VNA và các hãng hàng không khác là điều bình thường. Tuy nhiên, SCIC cũng cần có lộ trình cho công chúng biết khoảng thời gian nào trong tương lai sẽ bán cổ phần này ra, thu hồi vốn về cho ngân sách, để thấy kỷ cương ngân sách, cân đối ngân sách được tôn trọng.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).