Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về giải quyết vốn cho VEC, trong đó có dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT khẩn trương báo cáo đề xuất Chính phủ phương án bố trí vốn đối ứng cho dự án. Phó Thủ tướng đánh giá, quá trình thực hiện dự án gặp vướng mắc về một số cơ chế đối với các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn đối ứng. Theo VEC, tổng nhu cầu vốn đối ứng theo sổ sách để tiếp tục giải ngân các khoản vốn vay cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khoảng 1.800 tỷ đồng. Từ năm 2019 đến nay, đa số các gói thầu thực hiện tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đều dừng thi công do không có vốn để thanh toán cho nhà thầu, dù đã hoàn thành gần 79% khối lượng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐTV VEC Trương Việt Đông cho biết, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để tái khởi động dự án trên. “Sau khi Quốc hội thông qua phương án vốn điều lệ cho VEC, hiện vướng mắc chính tại cao tốc Bến Lức - Long Thành lại nằm ở các nhà thầu, khi có 5 gói thầu bị nhà thầu nước ngoài yêu cầu chấm dứt hợp đồng vì dừng thi công chờ vốn quá lâu”, ông Đông nói. Từ đầu năm 2021, VEC đã tạm ứng vốn để thanh toán phần khối lượng đã hoàn thành (khoảng 236 tỷ đồng) và tái thi công 2 gói thầu A5 và A7; ứng vốn để địa phương chi trả đền bù giải phóng mặt bằng với những hộ dân còn lại (khoảng 21 tỷ đồng).
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư, khởi công 2014, mục tiêu thông xe năm 2018. Toàn tuyến cao tốc dài gần 58km, đi qua Ðồng Nai, TPHCM, Long An. Tổng mức đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, từ nguồn vay ODA Nhật Bản, ADB và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Tính tới tháng 6/2022, tổng khối lượng 11 gói thầu chính đã thi công đạt gần 79% khối lượng.
Theo lãnh đạo VEC, các nhà thầu yêu cầu dừng hợp đồng có nguyên nhân do giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi giá trúng thầu được xây dựng từ năm 2015-2017, hiện giá vật liệu đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng và ký thanh lý, chuyển giao công trường, các nhà thầu này đều yêu cầu bồi thường thiệt hại do dừng thi công suốt 2-3 năm qua, thậm chí đưa ra trọng tài quốc tế. Do dừng thi công kéo dài, lại ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số nhà thầu đã rút hết nhân sự, máy móc về nước. “Tới nay, con số bồi thường bao nhiêu vẫn phải chờ đàm phán với các nhà thầu, hoặc quyết định của trọng tài. VEC đang xin chủ trương từ Chính phủ đề xử lý vấn đề này”, ông Đông nói thêm. Sau khi giải quyết được vấn đề trên, những gói thầu nào chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ sẽ thực hiện kiểm kê, xác định phần việc còn lại, cập nhật đơn giá và tổ chức đấu thầu tìm nhà thầu thay thế.
Lãnh đạo VEC tính toán sơ bộ, giá trị còn lại của dự án chưa thi công theo sổ sách chỉ còn khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng, nhưng thực tế có thể cao hơn nhiều do giá vật liệu xây dựng tăng cao. Về vốn vay nước ngoài cho dự án, hiện tại, một trong 2 gói vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hết thời hạn rút vốn (từ năm 2019). Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án sử dụng phần vốn dư hơn 70 triệu USD từ hiệp định vay còn hiệu lực để bù vào phần thiếu hụt của gói vay đã hết hạn, trường hợp sau đó vẫn thiếu vốn VEC sẽ phải tự cân đối.
Từ thực tế trên, VEC đã xin lùi tiến độ hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành vào nửa đầu năm 2025. “Hy vọng cuối năm nay có thể khởi động lại tất cả các gói thầu. VEC xác định làm xong đoạn nào sẽ đưa vào sử dụng trước đoạn đó, sớm nhất với đoạn 20km qua huyện Nhà Bè (TPHCM) vào cuối năm 2023”, ông Đông nói thêm. Dù vậy, dự án còn một số vị trí vướng mắc về mặt bằng, các địa phương cam kết tháng 8 tới sẽ bàn giao toàn bộ. Hiện tại, trên công trường dự án có một số vị trí thi công xong như bị mất trộm thiết bị, do dự án chưa bàn giao, nên các nhà thầu phải đầu tư bổ sung.