Sáng nay (17/2), theo kế hoạch, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS . Đây là hội nghị trực tuyến với sự tham gia của nhiều địa phương, bộ ngành và các nhà phát triển BĐS, các ngân hàng. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh số doanh nghiệp địa ốc phá sản đã tăng 40% (số liệu từ Bộ Xây dựng).
Những doanh nghiệp sống sót, ngay cả ở quy mô lớn, cũng chật vật tồn tại. Như Tập đoàn Novaland, vừa xin dừng hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà vì “thanh khoản khó khăn, dòng tiền ngoài tầm kiểm soát”.
Mới đây, Tập đoàn Đất Xanh, vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà phân phối lớn về bất động sản, cũng đã phải cắt giảm hơn 2.700 nhân sự. Nhà thầu xây dựng cũng gặp khó khăn tương tự vì không có việc, bị các chủ đầu tư giam nợ. Nhiều tập đoàn lớn đã cắt giảm nhân sự, giảm lương...
Một dự án chung cư quận Thanh Xuân (Hà Nội) dừng thi công vì thiếu vốn. Ảnh: Như Ý
Thậm chí, 1 tập đoàn lớn trong top 10 doanh nghiệp BĐS Việt Nam cũng cắt giảm 90% nhân sự vì khó khăn do không cân đối được nguồn tiền.
Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, đến cuối năm 2022, có gần 1.200 doanh nghiệp BĐS tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp môi giới lỗ nặng. Hàng chục vạn môi giới đã phải dừng hoạt động.
Trước đó, tại hội nghị về tín dụng BĐS gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thị trường BĐS và hệ thống ngân hàng có tác động lẫn nhau, trong đó nguồn vốn tín dụng đóng vai trò quan trọng, tài trợ cho cả bên cung và bên cầu của thị trường. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động để có biện pháp phù hợp.
Trong báo cáo chuẩn bị cho hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận, vay vốn ngân hàng. Đặc biệt từ nửa cuối 2022, dù có tài sản đảm bảo, doanh nghiệp vẫn không vay được do nhà băng hết hạn mức tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng vào BĐS.
Nhiều khách hàng cũng không được giải ngân dù trước đó đã ký thỏa thuận cho vay, dẫn đến doanh nghiệp không bán được hàng. Lãi suất cho vay cuối năm 2022 cũng tăng 2 đợt vào tháng 9 và tháng 11 gây thêm khó khăn cho huy động vốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp áp lực với lượng lớn trái phiếu phải đáo hạn cuối năm 2022 và trong cả năm 2023.
“Bơm” vốn cho nền kinh tế
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, cả ngàn dự án BĐS đang triển khai trên cả nước nhưng phải tạm dừng, với giá trị đầu tư khoảng 800 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội…
Theo đó, ông Đính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy nhanh việc bơm vốn cho nền kinh tế, trong đó có phần dành cho phát triển BĐS để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần kiểm soát tốt dòng tiền, hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp và những dự án ưu tiên.
Ngoài ra, ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ để người dân có nhu cầu vay mua nhà để ở, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là nhóm đối tượng thu nhập thấp, công nhân, người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần sớm ban hành các điều chỉnh Nghị định 65 để hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thuận lợi, hiệu quả và kéo dài thời hiệu thực thi Nghị định 65 đến năm 2025.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty GP.INVEST đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp của ông làm chủ đầu tư nhiều dự án. Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.
Bên cạnh đó, ngân hàng chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay BĐS cho từng trường hợp cụ thể, tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.
“Với BĐS nói chung, tín dụng vẫn là “nguồn sữa” chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi kính đề nghị về chính sách tín dụng cần có “dự lệnh” trước khi ra “động lệnh”, để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp như thời gian qua. Đồng thời, ngân hàng cần có biện pháp chỉ đạo hạ lãi suất sớm nhất để ổn định thị trường”, ông Hiệp nói.