Theo đó, đơn vị tư vấn tham khảo các sân bay trong khu vực và tại Việt Nam, đưa ra con số nhân sự vận hành sân bay Long Thành giai đoạn 1 cần khoảng 5.000 - 6.000 người. Con số này cũng phụ thuộc vào mức độ ứng dụng công nghệ tự động hoá của dự án. Trong đó ưu tiên nhận lực tại địa phương.
Báo cáo cũng đưa ra tính toán, dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, với tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 19%. Tới năm 2030, dự án đóng góp 0,98% GDP của Việt Nam, tạo ra 200.000 việc làm. Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực, giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng… Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 12 năm 10 tháng, doanh thu, lợi nhuận đạt giá trị dương ngay từ năm khai thác đầu tiên.
Về nguồn vốn và đơn vị đầu tư, khai thác hạ tầng sân bay, nhà ga, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm các nước, phân tích các yêu tố, Bộ GTVT đề xuất 3 phương án: Sử dụng vốn vay ODA; hoặc giao cho Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam ACV đầu tư, khai thác và không sử dụng vốn vay ODA hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng theo hình thức BOT, không sử dụng vốn vay ODA.
Sau khi phân tích các lợi ích, ưu và nhược điểm của 3 phương án trên, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao cho ACV làm chủ đầu tư, khai thác.
Dự kiến, tại kỳ họp cuối tháng này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua báo cáo khả thi Dự án sân bay Long Thành.
Giai đoạn 1 sân bay Long Thành (Long Thành, Đồng Nai) có tổng mức đầu tư trên 111.600 tỷ đồng (tương đương hơn 4,7 tỷ USD). Với phương án vốn được kiến nghị là sử dụng vốn của doanh nghiệp và các loại vốn hợp pháp khác. Giai đoạn thực hiện xây dựng từ năm 2020-2025. Với quy mô xây dựng gồm 1 đường cất/hạ cánh, 1 nhà ga công suất 25 triệu hành khách/năm, và 1 nhà ga hàng hoá công suất 1,2 triệu tấn/năm.