Sau giai đoạn trầm lắng trong quý 2, thị trường chứng khoán đang có những nét khởi sắc hơn trong những phiên giao dịch gần đây. Không chỉ cải thiện về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng hồi phục đáng kể so với những tháng trước.
Dù vậy, kinh tế thế giới hiện vẫn còn nhiều điều khó đoán định và ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Chứng Khoán VNDirect đã có những chia sẻ quan điểm về biến động cũng như cơ hội trên thị trường chứng khoán lúc này.
BTV Mùi Khánh Ly: Thanh khoản trong những phiên rồi đã cải thiện rõ rệt, theo bà dòng tiền này đến từ đâu?
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích CTCP Chứng Khoán VNDirect: Tôi cho rằng điều này đến từ 3 lý do. Thứ nhất là đến từ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân, tính đến cuối quý 2/2022, dòng tiền các nhà đầu tư gửi tại Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường ở mức 50.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn chút so với mức đầu năm 2022. Có nghĩa là các nhà đầu tư đang sẵn sàng có lượng tiền mặt rất lớn để tham gia thị trường ngay khi có cơ hội. Điều thứ hai là đến từ trợ lực từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trên thị trường Việt Nam cho đến tháng 6, khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài rơi vào khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Đây là một động lực khá tích cực hỗ trợ cho thanh khoản và trong khoảng 4-5 tuần gần đây, nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đã khá tích cực trong việc quay trở lại mua ròng trên toàn thị trường.
Đang có xu hướng dòng vốn nước ngoài bị rút ra trên toàn cầu, tuy nhiên ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại. Theo bà vì sao?
Về bối cảnh vĩ mô, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có sự ảnh hưởng khá mạnh mẽ từ việc lạm phát tăng cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều chậm lại trong năm 2022 và 2023. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một điểm sáng về mặt tăng trưởng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong 6 tháng đầu năm, sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được kiểm chứng khi lạm phát vẫn ở mức có thể chấp nhận được. Thứ hai, đồng Việt Nam vẫn duy trì sức mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng khá mạnh…đó là những yếu tố hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài tự tin quay trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Châu Âu hay Mỹ thì vẫn còn khá thận trọng khi quay trở lại các thị trường mới nổi như Việt Nam. Chỉ có các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Thái Lan…khá tự tin vào câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam, bởi họ hiểu Việt Nam cũng sẽ giống như câu chuyện tăng trưởng của họ cách đây 10 năm. Thêm nữa, trong đầu năm vừa qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã khá mạnh tay trong việc thanh lọc thị trường, tăng cường độ minh bạch của thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư.
Vậy theo bà, các dòng tiền kể trên có bền vững và kéo dài được lâu hay không?
Nói về sự bền vững của thanh khoản thị trường, tôi chia ra làm hai vấn đề. Về dòng vốn của nước ngoài vào giai đoạn 3 năm hoặc 5 năm tương đối bền vững, bởi vì các thị trường tương tự như Việt Nam trong khu vực như Malaysia hoặc Thái Lan hay Indonesia trong chu kỳ thu hút được nhiều dòng vốn FDI cũng kéo theo sau đó dòng vốn gián tiếp FII đổ vào thị trường một cách mạnh mẽ và ổn định, bất chấp những diễn biến bất lợi từ các yếu tố vĩ mô ở bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu định giá của thị trường dần trở nên đắt đỏ như trong giai đoạn năm 2020 hay 2021, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sự chọn lựa và chuyển hướng sang những thị trường có định giá hấp dẫn.
Về dòng vốn của nhà đầu tư trong nước, bản chất thị trường chứng khoán chúng ta chiếm đa phần là giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân nên sẽ khó bền vững và bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những yếu tố từ bên ngoài cũng như những yếu tố nội tại trong nước.
Tuy nhiên, nếu nhìn cho đến những tháng cuối năm sẽ có những yếu tố thuận lợi như lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt ở toàn cầu, FED sẽ giảm cường độ tăng lãi suất.
Điểm thứ hai là Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay, đồng nghĩa sẽ có một số ngân hàng được lựa chọn để nới room tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Điểm thứ ba mà thị trường chờ đợi là về Nghị định 153 sửa đổi liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nếu Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cũng như Nghị định 153 sửa đổi được triển khai, thực thi kịp thời thì đây là hai yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản có sự tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm.
Như vậy là thị trường sẽ tích cực trong thời gian tới?
Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán có lẽ đã qua và bức tranh cho những tháng cuối năm sẽ trở nên lạc quan và tươi sáng hơn, vẫn có sự tăng trưởng và phục hồi bền vững. Ước tính tăng trưởng GDP đạt gần 7% cho cả năm 2022 với một số dấu hiệu giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa có xu hướng giảm nhiệt, lạm phát của các nước có xu hướng đạt đỉnh trong tháng 7 vừa qua và trong những tháng cuối năm sẽ được giảm bớt.
Điểm thứ hai là sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết. Theo ước tính của chúng tôi, trong năm 2022 các doanh nghiệp niêm yết sẽ có mức tăng trưởng khoảng 23% và khoảng 20% trong năm 2023, mức này được xem là một trong những mức tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực.
Điểm thứ ba hỗ trợ cho thị trường là Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng trưởng tín dụng 14%. Thêm vào đó, Nghị định 153 sửa đổi dự kiến được ban hành và thực thi sẽ hỗ trợ cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm.
Đợt phục hồi này với sự xuất hiện của dòng tiền như đã nói ở trên, nhà đầu tư nên có hành động ra sao?
Tôi chia ra làm hai trường phái đầu tư. Thứ nhất, về đầu tư giá trị, tôi vẫn tiếp tục đặt sự tin tưởng vào những cổ phiếu đầu ngành, những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh đặc thù ít chịu sự ảnh hưởng của những tác động bên ngoài và những doanh nghiệp có chi phí vốn rẻ trong bối cảnh lãi suất đang tăng, có định mức định giá hấp dẫn và có độ rủi ro giảm giá thấp.
Trường phái thứ hai là đầu tư tăng trưởng, lựa chọn những cổ phiếu, những doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao về mặt lợi nhuận trong thời gian tới. Tôi lựa chọn ra ba nhóm doanh nghiệp có mức tăng trưởng vượt trội trong 12 tháng tới.
Thứ nhất, nhóm cổ phiếu liên quan đến giải ngân đầu tư công vì những nỗ lực gần đây của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công và việc giá cả nguyên vật liệu xây dựng có xu hướng giảm nhiệt trong thời gian gần đây.
Nhóm thứ hai là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, đây là nhóm có mức chiết khấu khá cao trên nền tảng dòng vốn FDI dự kiến vẫn có mức tăng trưởng tích cực và Việt Nam vẫn là một điểm sáng thu hút sự chuyển dịch về sản xuất từ Trung Quốc sang.
Thứ ba là nhóm cổ phiếu liên quan đến sự phục hồi của dịch vụ như nhóm liên quan đến thực phẩm hay bán lẻ. Nhóm cổ phiếu hàng không, dịch vụ hàng không cũng như dịch vụ giao nhận là những nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi về tiêu dùng nhưng trong thời gian vừa qua hầu như chưa có sự tăng giá và định giá hiện nay vẫn còn khá hấp dẫn. Chúng ta đầu tư theo phương pháp nào thì chúng ta cũng phải tuân thủ những kỷ luật đầu tư và việc quản trị rủi ro cho danh mục như những rủi ro liên quan đến địa chính trị, yếu tố liên quan đến lạm phát hay là những biến chủng Covid mới.
Trước tình hình thị trường vẫn còn tiềm ẩn những bất định, nhiều nhà đầu tư muốn ưu tiên nắm giữ tiền mặt, theo bà đây có phải là phương án đầu tư hiệu quả?
Tôi cho rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe tài chính cũng như khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư có thể chống chịu. Trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng tăng lên, chúng tôi làm một so sánh bằng phương pháp định giá lợi suất của thị trường, đảo ngược của phương pháp định giá P/E. Ở thời điểm hiện nay, ước tính mức định mức sinh lời của thị trường rơi vào gần 8%, so với mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các Ngân hàng Thương mại là rơi vào khoảng 7%, rõ ràng thị trường chứng khoán cũng vẫn là một kênh đầu tư tương đối hấp dẫn.
Tôi tương đối lạc quan về triển vọng thị trường trong những tháng cuối năm. Vì vậy, nhà đầu tư nên bắt đầu giải ngân từng phần, tuy nhiên chúng ta cũng phải giữ một tỷ trọng tiền mặt tương đối hợp lý để có thể quan sát những rủi ro khó có thể đoán định, ở mức là 40% trong thời điểm hiện nay là hợp lý.