Đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2022. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022 để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Đây là năm thứ ba liên tiếp NHNN yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2021, cơ quan này cũng đã ra chỉ thị tương tự buộc các ngân hàng phải chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh dần qua đi, nền kinh tế cũng như sức khỏe doanh nghiệp đang hồi phục trở lại, một số ngân hàng đã bắt đầu có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông vào năm sau.
Cuối buổi đại hội cổ đông vừa qua, chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đã gây bất ngờ cho các cổ đông còn nán lại họp đến phút chót bằng thông báo có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt: "Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội Cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm".
Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.
Trong kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua, ban lãnh đạo ACB cũng đề xuất phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu. Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt.
Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB khi đó đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014.
Việc VPBank và ACB dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt từ năm sau khiến nhiều cổ đông bất ngờ. Bởi liên tục trong những năm gần đây, các ngân hàng hầu hết đều trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao tiềm lực vốn, phục vụ việc mở rộng kinh doanh và tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Thống kê trong 3 năm gần nhất, chỉ có Vietcombank, VietinBank và BIDV được phép trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính dù các nhà băng này thường xuyên đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.
Điểm chung của hai nhà băng đầu tiên lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 là đều có sức khỏe tài chính vững mạnh và khả năng tạo lợi nhuận đứng đầu nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.
Tại VPBank, thành công trong thương vụ bán FE Credit cho SMBC đã nâng quy mô vốn chủ sở hữu lên gần 86.500 tỷ đồng, lọt nhóm cao nhất thị trường. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối tính đến hết cuối quý I đạt hơn 33.000 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tăng đã cải thiện đáng kể độ an toàn vốn và củng cố nền tảng vững chắc cho VPBank. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank đạt hơn 14,2%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020.
Báo cáo tài chính quý I cũng cho thấy, lượng tiền và tương đương tiền của VPBank cuối tháng 3 lên tới 51.577 tỷ đồng. Trong đó, hơn 40.500 tỷ đang được để tại các tổ chức tín dụng khác dưới dạng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng.
Còn tại ACB, ngân hàng liên tục duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20% trong nhiều năm qua; và đạt 23,9% trong năm 2021, nằm trong tốp 2 ngân hàng dẫn đầu. Tỷ lệ nợ xấu của ACB theo tiết lộ của ban lãnh đạo ngân hàng là 0,74% (tính tới hết quý I), giảm 0,03% so với thời điểm đầu năm. Đây là tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nhì toàn hệ thống hiện nay, đi cùng tỷ lệ bao phủ nợ xấu và an toàn vốn (CAR) đều thuộc nhóm dẫn đầu.
Đáng chú ý, trong quý I, ACB hoàn nhập dự phòng 2,8 tỷ đồng, giúp lợi nhuận tăng hơn 32% so với cùng kỳ 2021. Đây là lần đầu tiên kể từ quý I/2019 ngân hàng thực hiện hoàn nhập dự phòng rủi ro.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2022, lãnh đạo ACB cho biết ngân hàng đã trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid -19. Đầu năm 2022, tình hình khách hàng cơ cấu đã cải thiện tốt từ 27.000 tỷ đồng cơ cấu trong năm 2021, đến quý I/2022 chỉ còn 15.000 tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát, nếu tình hình khả quan thì ACB sẽ hoàn nhập dự phòng và có một khoản thu nhập bất thường trong năm nay.
Đến cuối quý I, ACB sở hữu khoản lợi nhuận chưa phân phối ở mức gần 12.900 tỷ cùng với lượng tiền mặt lên tới gần 49.500 tỷ đồng.