Chế độ làm việc "1075" là gì?
Thời gian gần đây, để tránh áp lực từ dư luận xã hội về mô hình chế độ làm việc theo hình thức "996", ông lớn ByteDance đã đi đầu trong việc thay đổi văn hóa tăng ca của các công ty công nghệ cao. Bắt đầu từ tháng này, nhân viên được khuyến khích làm việc 5 ngày một tuần; 10 giờ sáng bắt đầu làm việc, 7 giờ tối tan (hay còn gọi là chế độ "1075").
Tuy nhiên, có chuyên gia lại nghi ngờ liệu rằng thay đổi này có thể làm bật được cái rễ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của các công ty công nghệ cao. Cư dân mạng Trung Quốc gọi giờ làm việc mới của ByteDance là chế độ "1075" để so sánh với chế độ "996" (làm việc 6 ngày một tuần, 9 giờ sáng làm việc, 9 giờ tối tan ca).
Theo chế độ 1075, nếu nhân viên cần phải tăng ca sau 7 giờ tối thì phải thông qua sự phê chuẩn của cấp trên; mỗi ngày làm thêm nhiều nhất 3 tiếng, mỗi tháng nhiều nhất 36 tiếng. Quy định mới cũng ghi rõ về vấn đề trả lương tăng ca. Nếu tăng ca vào ngày làm việc thì sẽ được tăng lương gấp rưỡi, ngày nghỉ tăng gấp đôi và ngày lễ tăng gấp ba.
ByteDance là công ty mẹ của nền tảng xã hội Douyin (phiên bản nước ngoài là Tiktok) là một trong những công ty Internet phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc, hoạt động kinh doanh bao phủ trên hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới. Theo trang Reuters, mức định giá gần đây của công ty là khoảng 300 tỷ USD.
Một nhân viên nắm khá rõ chính sách quản lý nguồn nhân lực của ByteDance tiết lộ với BBC rằng, công ty gần đây thực sự đã đổi mới các quy định quản lý tăng ca, và bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 sẽ triển khai chế độ "1075" này cho nhân viên Trung Quốc.
Nguồn gốc chế độ "996" bị tẩy chay
Bắt đầu từ năm 2019, chiến dịch tẩy chay chế độ "996" của nhân viên ngành Internet Trung Quốc đã nhận được sự quan tâm rộng rãi. Sau khi Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên bố chế độ làm việc "996" là bất hợp pháp vào tháng 8 năm nay, một số công ty công nghệ đã liên tiếp công bố các biện pháp cải thiện môi trường làm việc, chẳng hạn như bãi bỏ chế độ nghỉ "tuần chẵn lẻ".
Tuy nhiên nội bộ vẫn còn những nghi ngờ, có nhân viên phản ánh rằng tiền lương vì thế mà cũng đã bị cắt giảm rất nhiều. Theo BBC, một số cư dân mạng đặt câu hỏi liệu khối lượng công việc của nhân viên có giảm xuống hay không, nếu khối lượng công việc và hiệu quả công việc không thay đổi, mà miễn cưỡng yêu cầu giảm giờ làm, thì sẽ dẫn đến tình trạng nhân viên mang việc về nhà làm.
Theo Liêu Khang Vũ, sinh viên Khoa Xã hội học Đại học Cambridge, Vương quốc Anh cho biết, dưới sức ép lớn của chính phủ và nhân viên, việc các công ty Internet của Trung Quốc tích cực điều chỉnh chế độ tăng ca là điều có thể hiểu, tuy nhiên nếu không thay đổi được các vấn đề về cơ cấu (cung- cầu, cạnh tranh nơi làm việc,…), thì có khả năng chỉ có thể thay đổi được lớp vỏ bên ngoài.
Tham khảo CNA