Gần 1 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt. Sự hỗn loạn trên thị trường của một trong những hàng hoá quan trọng nhất thế giới ít có dấu hiệu kết thúc. Giá một thùng dầu thô Brent vào khoảng 108 USD/thùng vào ngày 18/3, vẫn cao hơn mức khoảng 94 USD khi chiến sự bắt đầu.
Nhưng trong hai tuần qua, giá dầu đã lao dốc từ mức cao nhất là 128 USD/thùng xuống mức thấp nhất là 98 USD/thùng. Không tính đến sự hỗn loạn liên quan đến đại dịch năm 2020, chỉ số OVX theo dõi tính biến động của thị trường dầu mỏ vốn hiếm khi thay đổi trong thập kỷ qua lại tăng cao trong tháng này.
Sự dao động phản ánh tác động qua lại giữa các lực lượng chính trị và kinh tế lên thế giới ngày nay, từ chiến tranh, lãi suất tăng cho đến Covid-19. Chưa kể đến kết quả của cuộc xung đột Ukraine, 3 nguồn bất ổn lớn đang ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ thế giới.
Tính toán của OPEC
Đầu tiên là những gì thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) làm khi phương Tây áp lệnh trừng phạt và sản phẩm của Nga bị xa lánh. Mỹ đá cấm nhập khẩu dầu Nga. Ngay cả với những quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt, những người mua tiềm năng đang đấu tranh để giao dịch với các trung gian tài chính của Nga và lo sợ các lệnh trừng phạt mới có thể xảy ra.
Ngày 16/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng thị trường quốc tế có thể đối mặt với sự thiếu hụt 3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 4. Để so sánh, thế giới tiêu thụ khoảng 98 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2021.
Sự gián đoạn trên thị trường toàn cầu được minh hoạ rõ nhất bằng khoảng cách giữa giá dầu Brent tiêu chuẩn và dầu Urals. Ngày 31/1, khoảnh cách này giữ ở mức khoảng 60 cent/thùng. Đến ngày 18/3, mức giá này đã tăng lên gần 30 USD.
Giá dầu Brent. Đơn vị: USD/thùng
Điều này khiến quyền lực phần lớn nằm trong tay hai quốc gia có khả năng bù đắp cho sự thiếu hụt của Nga là Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Cho đến nay, cả hai quốc gia đều từ chối lời kêu gọi tăng sản lượng.
Tại cuộc họp vào đầu tháng 3, OPEC và các đồng minh (bao gồm cả Nga) chỉ xác nhận kế hoạch hiện có là nâng sản lượng tổng thể, 400.000 thùng dầu mỗi ngày. Cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng này sẽ được theo dõi sát sao. Đặc biệt, khi hai quốc gia này có tầm ảnh hưởng lớn, chỉ một thay đổi nhỏ trong những tuyên bố công khai cũng khiến giá dầu biến động.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ
Nguồn bất ổn thứ hai liên quan đến khả năng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ để đáp ứng nguồn cung thiếu hụt. Trong đợt bùng nổ khai thác mỏ đầu tiên từ năm 2010 đến năm 2015, sản lượng của Mỹ tăng mạnh khiến giá dầu lao dốc và làm suy giảm dầu trong tay OPEC.
Nhưng sau đó các điều kiện trong nền kinh tế Mỹ đã thay đổi đáng kể, khiến các nhà phân tích và những người trong ngành nghi ngờ rằng đá phiến có thể tạo ra những thách thức.
Ban đầu, các tình hình tài chính ít được khuyến khích hơn so với thời kỳ bùng nổ 2010-2015. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2022 và 2023. Lợi suất kho bạc 2 năm chỉ ở mức 2%, so với mức dưới 1% trong hầu hết thời kỳ bùng nổ vừa qua.
Một hạn chế khác phát xuất từ vấn đề thị trường lao động eo hẹp của Mỹ. Lĩnh vực khai thác dầu khí ở Mỹ trong tháng 2 chỉ có hơn 128.000 lao động, giảm so với con số 200.000 người vào cuối năm 2014. Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,8% và các nhà tuyển dụng vật lộn để lấp đầy vị trí trống, việc tìm được hàng nghìn người lao động trên khắp nước Mỹ là điều không dễ dàng.
Thái độ đối với ngành cũng thay đổi. Các nhà sản xuất của Mỹ và các chủ nợ tiềm năng hiện đang thận trọng hơn với việc vay nợ. Các ngân hàng và các nhà quản lý tài sản bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn. Đó là một yếu tố khiến giá tăng.
Trong quý cuối năm 2021, các công ty khai thác và sản xuất năng lượng đã báo cáo mức tăng kỷ lục trong vòng 6 năm đối với chi phí thuê vận hành (tức chi phí định kỳ của việc vận hành các giếng khoan), theo một cuộc khảo sát của Fed Dallas. Bản thân những nhà khai thác, từng phải vật lộn để tạo ra lợi nhuận ổn định trong quá khứ, lần này cũng rất quan tâm đến kỷ luật vốn.
Chiến lược zero Covid của Trung Quốc
Yếu tố thứ ba và có lẽ cũng là yếu tố nan giải nhất chính là nhu cầu. Chiến lược zero Covid của Trung Quốc đang được thực hiện rất nghiêm ngặt. Đất nước này đã ghi nhận số ca mắc cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hàng chục triệu người bị phong toả ở Thượng Hải và Thâm Quyến. Đây là hai thành phố phát triển với các trung tâm xuất khẩu quan trọng.
Nhà nghiên cứu hàng hoá Platts Analytics gợi ý rằng các hạn chế này có thể khiến nhu cầu giảm 650.000 thùng mỗi ngày trong tháng 3. Con số này gần tương đương với sản lượng dầu của Venezuela.
Ngay cả trước khi có các lệnh phong toả, những dấu hiệu đáng lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm đã xuất hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Doanh thu từ bán đất đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số Hang Seng Mainland Properties Index của cổ phiếu các nhà phát triển gần đây đã chạm đáy trong gần 5 năm và giảm khoảng 50% kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong khi đó, các nhà chức trách giằng co giữa chiến dịch kiểm soát đòn bẩy với mong muốn giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Bất cứ dầu hiệu nào cho thấy sự suy giảm của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng có nghĩa là thị trường hàng hoá sẽ có nhiều xáo trộn hơn.
Toan tính của OPEC, dầu đá phiến Mỹ và sức khoẻ nền kinh tế Trung Quốc, một trong 3 yếu tố này cũng đủ để giá dầu biến động mạnh. Nếu biến động giá dầu giảm xuống, những nguồn gốc gây ra biến động cũng sẽ phải giảm bớt.
Theo The Economist