Được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nóng trong ngành luyện thép của Trung Quốc, hoạt động khai mỏ đã bùng nổ trong thời gian qua ở Australia, mà trung tâm là quặng sắt ở Tây Australia và than đá ở Queensland. Vào thời kỳ hoàng kim cách đây 5 năm, đầu tư vào hoạt động khai mỏ chiếm đến 9% GDP của Australia. Tuy nhiên, khi đầu tư bắt đầu suy giảm vào năm 2013 thì nợ của Tây Australia cũng từ đó mà tăng vọt. Đây cũng là tiểu bang hiện có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất Australia, ở mức 6,5%.
Nếu kịch bản của những đợt bùng nổ trước đó lặp lại thì tình cảnh hiểm nghèo của Tây Australia đã lan rộng ra cả "xứ sở chuột túi" và kết thúc bằng một cuộc suy thoái trên khắp cả nước. Thế nhưng kinh tế của Australia vẫn chẳng hề hấn gì khi tăng trưởng 26 năm liên tiếp không có bóng dáng của suy thoái. Vậy bằng cách nào mà Australia lại có được thành tích mà hầu hết các quốc gia giàu có khác cũng phải ngả mũ thán phục như thế?
Sự bùng nổ trong hoạt động khai mỏ của Australia suốt 160 năm có lẻ đã từng đem lại cho quốc gia này cảm giác giàu có và tự tin. Công nhân kiếm được nhiều tiền, và điều này đem lại sự thịnh vượng cho những vùng rộng lớn chuyên sản xuất vàng, than đá, khí đốt và các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên trong lịch sử gần như theo sau các đợt bùng nổ nào cũng là một thời kỳ suy thoái, mà lần gần đây nhất là vào những năm 1980, mà phần lớn nguyên nhân là do nền kinh tế vốn được quản lý chặt chẽ phải chịu cú sốc quá lớn.
Khi Australia ghi nhận tăng trưởng âm vào quý III/2016, nhiều người dự đoán rằng đây sẽ là khởi đầu của một thời kỳ suy thoái (được định nghĩa là hai quý tăng trưởng âm liên tiếp). Thế nhưng, "xứ sở chuột túi" lại lấy lại đà tăng trưởng trong quý cuối cùng. Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA-ngân hàng trung ương) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt mức khoảng 3%.
Nền kinh tế Australia đã trải qua nhiều biến động lớn kể từ những năm 1980. Ngân hàng trung ương nước này giờ đây đã có quyền quyết định lãi suất mà không chịu sự can thiệp chính trị và tỷ giá hối đoái cũng không bị cố định nữa. Khi thời kỳ bùng nổ dần hạ nhiệt, RBA đã giảm lãi suất cơ bản từ 4,75% vào năm 2011 xuống còn 1,5% hồi năm ngoái và hiện vẫn giữ ở mức này. Giá trị của đồng đô la Australia (AUD) cũng giảm từ mức đỉnh 1,1 USD đổi 1 AUD sáu năm về trước xuống mức 0,76 USD đổi 1 AUD.
Những bang lâu đời và đông dân như New South Wales và Victoria đã được hưởng lợi từ những yếu tố này. Ở New South Wales, đầu tư vào các ngành khác ngoài khai mỏ đã và đang tăng khoảng 10% kể từ năm 2013. Victoria là bang có tốc độ tăng dân số cao nhất của Australia, tính cả nội bang và dân nhập cư từ nước ngoài. Các doanh nghiệp đã từng lao đao vì đồng AUD được định giá cao suốt thời kỳ bùng nổ hoạt động khai khoáng giờ đây đã dễ dàng xuất khẩu hàng hóa của mình hơn. Còn đối với du khách và du học sinh, Australia là một điểm đến khá phải chăng.
Dù linh động hơn nhưng nền kinh tế Australia vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nhất định. Tăng trưởng ổn định hơn ở Trung Quốc đã giúp giá hàng hóa phục hồi sau những đợt sụt giảm khá mạnh. Nhưng lần này, các công ty khai mỏ sẽ không thể "kích hoạt" một đợt bùng nổ đầu tư nữa. Giá hàng hóa cao sẽ không duy trì được lâu. Triển vọng kinh tế của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, vẫn là một yếu tố gây bất định cho ngân hàng trung ương Australia. Tuy nhiên, cho đến nay thì khả năng tái thiết nền kinh tế của "xứ sở chuột túi" qua bao thăng trầm dường như đang giúp nước này gặt hái được nhiều thành quả.