Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ tới độc giả bài viết của ông Lâm Minh Chánh – Giám đốc Trường Quản trị Kinh doanh BizUni, tác giả cuốn sách bán chạy "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam", giải thích về sự thành công của tiến sĩ Lê Thẩm Dương.
Tôi sẽ viết bài này rất khách quan, dưới dạng giải mã, giống như case study để chúng ta học hỏi. Các bạn sẽ thấy giá trị to lớn của 2 yếu tố hàng đầu trong kinh doanh: Phân khúc khách hàng và Giá trị dành cho phân khúc khách hàng.
Chuyên gia Lâm Minh Chánh
Tôi biết TS Lê Thẩm Dương từ hồi 2006-2010. Hồi ấy tôi làm chứng khoán nên hay gặp ông. Lúc tôi mở sàn vàng VTG cũng có mời ông đến huấn luyện nhân viên cơ bản về thị trường tài chính. Phải nói rằng TS Lê Thẩm Dương có kiến thức tốt về ngân hàng, chứng khoán và cách dạy tuy có bỗ bã, nhưng dễ hiểu.
Sau này thì tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông "đánh" mọi mặt trận: dạy rất nhiều môn về quản trị cho doanh nghiệp, và những môn về kỹ năng mềm cho sinh viên. Điều đặc biệt là ông thu hút được một lượng fan khá lớn.
Nhiều người rất ngạc nhiên vì việc này. Họ còn gọi đó là nghịch lý. Họ cho rằng những gì TS Lê Thẩm Dương dạy là hầu như không có giá trị gì nhiều, thậm chí vô bổ, và cách dạy thì rất đời thường: phong cách, kể chuyện, dùng từ không hợp…
Các bạn đọc comment bài của tôi, hay search Google sẽ thấy rõ điều này. Có câu chuyện là một số doanh nghiệp khá lớn, sau khi mời TS Lê Thẩm Dương dạy môn A, thấy thích quá, mời tiếp môn B. Thầy dạy nội dung đến 80% là y chang. Chiến lược, hay tái cấu trúc… đều có chung 1 sườn.
Và đây là chuyện thật, trong số hơn 30 giảng viên tôi mời dạy khóa CEO của BizUni, đã có 5 người đề nghị đừng nên mời TS Lê Thẩm Dương. Có thầy còn nói có TS Lê Thẩm Dương thì tôi rút ngay.
Nhưng đi sâu vào tìm hiểu, thì tôi thấy đó không phải là nghịch lý. TS Lê Thẩm Dương đã áp dụng rất tốt nguyên lý "Marketing" vào việc giảng dạy, chia sẻ của ông.
TS Lê Thẩm Dương đã ưu tiên chọn phân khúc bình dân: người lao động, sinh viên, nhân viên, quản lý doanh nghiệp trẻ, có số năm kinh nghiệm vừa phải. Và TS đã cung cấp những giá trị cho những khách hàng thuộc phân khúc cực lớn này.
Thứ nhất là với kỹ năng nói, thuyết trình có sức hút, TS đã biến buổi dạy, chia sẻ thành 1 buổi chia sẻ có tính giả trí cao. Khán giả mục tiêu nghe giảng/chia sẻ thấy thích, vui, có cảm hứng.
Thứ hai, họ cảm nhận được giá trị từ những bài giảng, nói chuyện của ông. Đa số chúng ta -những người có nền tảng kiến thức, hay có trải nghiệm sẽ không thấy nhiều giá trị từ bài giảng của ông. Tuy hàm lượng kiến thức là không cao, nhưng thật sự là ông có lồng vào đó một số giá trị sống, một số kỹ năng. Người nghe đúng phân khúc "thấy" họ trong những câu chuyện đó.
Ví dụ một số ý sau: đàn ông mà ngang tàng thì mới đúng thể hiện hết bản lĩnh. Phụ nữ thì phải đẩy ra thì mới là phụ nữ, và đàn ông phải vào để phụ nữ được làm cái việc là đẩy ra, là từ chối.
Đối với phân khúc khách đó, thì TS Lê Thẩm Dương là người cực kỳ tâm lý. Ông nói đúng "insight" của họ. Ông làm cho họ sướng, và mong muốn thay đổi.
Chuyện thật: tôi tình cờ gặp một lái xe Grab tại Hà nội. Cậu này đang đi làm và lái xe bán thời gian. Câu nói với tôi cậu tôn sùng TS Lê Thẩm Dương và mong có lần gặp ông để cảm ơn về những bài giảng tạo cảm hứng của ông.
Thứ ba, công ty đang làm truyền thông cho TS Lê Thẩm Dương làm khá tốt công việc của mình! Họ có những chiêu thức và những content rất đặc biệt và hiệu quả.
Nếu nhìn nhận vấn đề về khía cạnh kinh doanh thì TS Lê Thẩm Dương quá giỏi. Ông đã chiếm thị phần khá lớn của phân khúc bình dân: người lao động, sinh viên, nhân viên, quản lý doanh nghiệp trẻ, có số năm kinh nghiệm vừa phải. Ông hiểu họ muốn gì, và ông cung cấp những giá trị đúng với số đông của phân khúc này.
Dĩ nhiên, vẫn có một số giảng viên, diễn giả cũng tấn vào phân khúc lớn này bằng phương cách khác, giá trị khác. Họ cũng thành công, nhưng chưa ai thành công bằng TS Lê Thẩm Dương trong phân khúc này.
Bài học mà chúng ta có thể rút ra từ Case này để áp dụng trong kinh doanh: hãy chọn đúng phân khúc khách hàng. Hãy hiểu rõ khách hàng. Hãy đem tới cho khách hàng thuộc phân khúc những giá trị đặc biệt, ưu việt nhất.
Và điều đặc biệt là không quan tâm đến suy nghĩ của các phân khúc khác.
Những giảng viên, diễn giả trong đó có tôi, chọn phân khúc khác thì cũng đừng lăn tăn về case này nữa. Hiểu ra vấn đề, bạn sẽ thấy case này không nên gọi là nghịch lý. Đó là case thành công rất logic.
Dĩ nhiên không phải ai cũng muốn tấn vào phân khúc bình dân! Mà nếu muốn thì họ cũng chưa chắc có năng lực để tấn vào phân khúc dễ dễ, khó khó này.