Mức giá tăng khủng khiếp của các đồng tiền kĩ thuật số đang khiến nhà đầu tư ưa biến động xem xét cách tham gia cuộc bùng nổ đầu cơ tích trữ lớn nhất kể từ cơn sốt dotcom.
Đồng tiền số được biết đến nhiều nhất là bitcoin. Bitcoin đã chạm mức kỷ lục 10.000 USD trong tuần này, sau khi chỉ đạt mức giá 2.000 USD lần đầu vào đầu năm nay.
Tiền kĩ thuật số là gì?
Tiền kĩ thuật số - một sản phẩm của thế kỉ 21 - là sự kết hợp của tài sản số, năng lượng máy tính khổng lồ và hệ thống máy chủ lưu giữ các dữ liệu được chia sẻ.
Không giống tiền thật, tiền kĩ thuật số có tính phân quyền, nghĩa là chúng không được phát hành hay đảm bảo bởi một ngân hàng trung ương. Vì vậy, tiền số nằm ngoài phạm vi kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Tiền số được bảo đảm bằng mật mã để tránh hành vi ăn cắp dữ liệu. Chúng có thể chuyển đổi thành tiền thật một cách nặc danh. Các cơ quan chức năng và các nhà phê bình nhấn mạnh rằng chính những đặc tính đó đã và đang thu hút một số nhóm tội phạm.
Bên cạnh Bitcoin, các đồng tiền kĩ thuật số khác cũng tăng giá đáng kể trong năm nay, bao gồm Ethereum, Ripple, Litecoin và Dash. Các đồng tiền số kể trên có những đặc điểm khác, cho phép người dùng sử dụng theo cách khác, vì vậy chúng phần nào khẳng định sự hấp dẫn và tăng giá.
Cộng đồng Bitcoin tự cho rằng bitcoin thay thế cho đồng tiền của ngân hàng trung ương; Ethereum được coi là "dầu khí ảo", không được sử dụng như tiền tệ. Ripple là phần mềm hướng tới thị trường tài chính như thị trường hối đoái.
Tại sao tiền số lại tăng giá chóng mặt?
Sự kết hợp giữa tính khan hiếm, sự nhiệt tình của đông đảo nhà đầu tư và nỗi lo bỏ lỡ cơ hội chính là câu trả lời.
Ví dụ, chỉ một lượng hạn chế - 21 triệu bitcoin - có thể được tạo ra. Có 16,7 triệu đang trong lưu thông, theo dữ liệu của Chainalysis, khiến giá trị vốn hóa thị trường bitcoin lên đến khoảng 167 tỷ USD. Trong số các đồng bitcoin đang lưu thông có khoảng 37% được chi tiêu hoặc mua bán năm ngoái, khoảng 22% đang được nắm giữ bởi "các nhà đầu tư chiến lược", hầu hết phần còn lại không rõ tung tích.
Cùng lúc đó, những người hăng hái, các nhà đầu tư bán tổ chức và thậm chí một số quỹ đầu cơ đang tìm cách đầu tư vào tiền kỹ thuật số. Nhiều người có niềm tin mãnh liệt vào ICO, một cơ chế huy động vốn tương tự như phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Bitcoin tăng giá cũng khiến một số nhà cung cấp cơ sở hạ tầng giao dịch lớn nhất trên thế giới tìm ra cách giúp khách hàng thực hiện giao dịch sử dụng những công cụ đầu tư truyền thống hơn như hợp đồng tương lai hoặc hợp đồng chênh lệch.
Tập đoàn CME và công ty Cboe Global Markets đang lên kế hoạch cho hợp đồng tương lai bitcoin. Triển vọng này càng làm tăng tính chính danh của bitcoin và là một trong những nguyên nhân đẩy tăng giá bitcoin trong thời gian gần đây.
Với hoạt động marketing rầm rộ, các nền tảng trực tuyến khác bắt đầu cung cấp chứng khoán phái sinh mã hóa, cho phép người đánh cược mua bán trên thị trường tiền ảo.
Rủi ro gắn liên với bitcoin là gì?
Khi so sánh với hội chứng hoa Tulip, các cơ quan chức năng cảnh báo nhà đầu tư về những nguy cơ từ 1 thị trường không được quản lý, thiếu thanh khoản và giá biến động quá mạnh. Cũng chính những đặc điểm này giới hạn đáng kể khả năng sử dụng bitcoin như 1 phương tiện thanh toán trong các giao dịch.
"Bitcoin chỉ tập trung trong tay một số người, những người sở hữu bitcoin không được xác định danh tính rõ ràng, thao túng thị trường hoành hành, và việc dàn xếp giao dịch có tính xác suất thay vì có tính chắc chắn và dứt khoát theo pháp luật," ông Preston Byrne, cố vấn tài chính cấu trúc và sáng lập của Monax (một công ty phần mềm blockchain) cho biết.
Giá cao hơn có nghĩa là người nắm giữ đồng tiền ảo - dù là sàn giao dịch, các nền tảng giao dịch hay những người cá cược nhỏ lẻ - đều là mục tiêu sinh lời cho hacker - những kẻ ăn cắp dữ liệu. Tập đoàn IC, nền tảng giao dịch trực tuyền lớn nhất trên thế giới, đã hoãn giao dịch một số chứng khoán phái sinh bitcoin vào đầu tuần này, do rủi ro bảo mật tăng lên khi cung cấp sản phẩm.
Cũng giống như tất cả các loại tài sản, rút khỏi thị trường là một nhân tố quan trọng. Một số nền tảng và sàn giao dịch đưa rủi ro giao dịch vào sổ sách kế toán và trả cho khách hàng từ quỹ của mình, cho đến khi họ có thể bán đồng tiền trên thị trường. Nếu một lượng nhỏ khách hàng bán ra, điều này có thể tạo áp lực cho các bên trung gian trên thị trường - những bên không tiếp cận được với tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, có những vấn đề đáng lưu ý trong "thế giới thật". Ví dụ, việc khai thác bitcoin năm nay tiêu tốn năng lượng nhiều hơn lượng điện trung bình được sử dụng hằng năm của 159 quốc giao, theo số liệu của Digiconomist.
Tiền kĩ thuật số có thể thâm nhập vào các hoạt động tài chính?
Những người đầu cơ cho rằng khi đạt được ổn định giá cả thì bitcoin hoàn toàn có thể được sử dụng như một loại tiền tệ để định giá một giao dịch, hơn là chỉ để đầu cơ kiếm lời.
"Nền tảng hạ tầng cơ sở đang tiến tới giải quyết sự chuyển đổi này," Gavin Brown, giảng viên kì cựu môn kinh tế học tài chính của Đại học thủ đô Manchester, giám đốc quỹ đầu tư thanh khoản tiền kĩ thuật số Blockchain Capital Limited cho biết. Quá trình này có thể mất 10 đến 15 năm, ông nói, "việc chấp nhận điều chỉnh nhẹ nhàng" sẽ là một phần cần thiết của sự phát triển.
Nhưng các nhà phê bình cảnh báo bitcoin không thể được sử dụng như trung gian của hoạt động giao dịch hoặc cất giữ giá trị theo kiểu đồng tiền được hỗ trợ bởi ngân hàng trung ương.
Tara Waters, một luật sư về tài chính trên nền tảng công nghệ ở Ashurst nói: "Ngân hàng trung ương có thể phải quyết định việc chấp nhận công nghệ này, mặc dù có vẻ họ sẽ thích nghi với các công nghệ phù hợp hơn với hệ thống và các thông lệ hiện hành."
Những người khác lo sợ bong bóng sẽ vỡ, gây ra một sự thay đổi đột ngột đối với những người liên quan đến thị trường.
"Tôi không nghĩ bitcoin có bất cứ nhiệm vụ gì trong hệ thống tài chính chính thống," ông Byrme nói. "Tôi có nghe những câu chuyện những người dùng kiệt hạn mức thẻ tín dụng và hay vay thế chấp nhà cửa lần hai để mua bitcoin. Ngân hàng giờ nên tập trung vào hạn chế mức độ rủi ro."
Cơn sốt dotcom (Dotcom fever) là bong bóng thị trường cổ phiếu khi các cổ phiếu của các công ty công nghệ cao, nhất là các công ty Internet, được đầu cơ, bong bóng này sinh ra vào năm 1995 và vỡ năm 2000.
ICO là khi một công ty phát hành tiền kĩ thuật số riêng của mình với mục đích tài trợ. Nó thường phát hành một số lượng nhất định mật mã và sau đó bán những mật mã này cho đối tượng mục tiêu, thường để đổi lấy Bitcoins, nhưng cũng có thể là tiền.
Hội chứng hoa tulip là một giai đoạn trong Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan, giá thỏa thuận của một củ tulip tăng vọt tới mức bất thường rồi đột ngột sụp đổ. Đây nhìn chung được coi là bong bóng đầu cơ đầu tiên được ghi lại trong lịch sử.