Điều gì giúp Bến Tre sắc xanh phủ toàn tỉnh?
Ngày 21/9, tỉnh Bến Tre không ghi nhận thêm ca COVID-19 mới. Đến nay toàn tỉnh có 9/9 huyện, thành phố, 156/157 xã, phường, thị trấn và 966 ấp đạt mức bình thường mới. Trên bản đồ COVID-19 đã phủ sắc xanh (vùng an toàn). Như vậy, sau hơn 2 tháng nỗ lực dập dịch, tỉnh Bến Tre đã đạt được kết quả ban đầu và người dân đã dần quay lại với cuộc sống bình thường mới. Tổng số ca mắc hiện nay của tỉnh là 1.866 ca, trong đó có 1.729 ca ra viện, 48 ca tử vong.
Điều gì giúp tỉnh Bến Tre có thể nhanh chóng quay lại trạng thái bình thường mới như vậy? Câu trả lời là ở công nghệ.
Trước đó, trong các cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân".
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành công điện, nhấn mạnh việc thần tốc xét nghiệm là then chốt quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Xét nghiệm đại trà nhiều vòng là yếu tố quan trọng giúp một số quốc gia trên thế giới nhanh chóng khống chế ổ dịch, hạn chế dịch lây lan rộng.
Vậy làm thế nào để có thời gian vàng dập dịch mà lại an toàn, khoa học?
Bộ Y tế thông tin, với đặc tính của chủng Delta kết hợp điều kiện sinh hoạt của người dân tại nhiều địa phương còn khó khăn, gây nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, song song với xét nghiệm nhanh theo mẫu đơn từng người, một số nơi có thể làm mẫu gộp, mẫu đại diện để tăng tốc độ, tần suất xét nghiệm, nhanh chóng xác định F0 và các nhóm liên quan trong cộng đồng để kịp thời điều trị và hạn chế lây lan.
Để đáp ứng các yêu cầu trên, ngành y tế và chính quyền một số địa phương đã nhanh chóng ứng dụng hệ thống y tế công nghệ, nhằm đẩy nhanh, hiệu quả các công tác xét nghiệm mẫu gộp, mẫu đại diện rất khoa học và an toàn.
Lợi thế của phần mềm quản lý đồng bộ
Đáng chú ý, phần mềm quản lý xét nghiệm của hệ thống y tế công nghệ Việt Nam Khoẻ Mạnh được xây dựng, phát triển với sự tham gia của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) đang triển khai khá thành công ở nhiều nơi.
Đại diện Cục Công nghệ Thông tin cho hay, nền tảng y tế công nghệ này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu từ các hệ thống tiên tiến trong công tác phòng chống Covid-19 thành công của một số quốc gia châu Á.
Đặc biệt, nền tảng Việt Nam Khoẻ Mạnh nhận được tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia của Tập đoàn Gov Tech - tập đoàn đang vận hành giải pháp TraceTogether quản lý phòng chống dịch của Singapore, và phân hệ Quản lý xét nghiệm/vaccine của Tập đoàn Intelisys (Canada) được tối ưu theo nhu cầu thực tế tại Việt Nam.
Hơn nữa, người dân tham gia xét nghiệm được nhận nhanh kết quả trên hệ thống trực tuyến. Nhân viên y tế có danh sách tự động, không mất thời gian nhập liệu. Chính quyền các Phường, Xã, nhận được thông tin báo cáo tự động, kịp thời về tình trạng F0 tới từng người dân.
Cụ thể, với việc truy cập và thực hiện thao tác đơn giản tại website http://xn.yte.gov.vn hoặc http://vietnamkhoemanh.vn , người dân có thể khai báo y tế, đăng ký xét nghiệm cho cá nhân/nhóm/gia đình. Website quản lý đồng bộ và toàn diện tạo ra các điểm xét nghiệm (nhất là các điểm lưu động) để người dân dễ dàng lựa chọn địa điểm, ngày, khung giờ nhanh chóng và thuận tiện.
Sau khi đăng ký, hệ thống sẽ trả về điện thoại mã QR để người dân đối chiếu với nhân viên y tế tại điểm xét nghiệm, giúp giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục. Sau khi lấy mẫu, kết quả được gửi cho người dân (theo mẫu quy định) trên website của hệ thống hoặc email đã đăng ký. Kết quả có QR code lưu giữ lịch sử với đầy đủ các thông tin cá nhân, thời gian, địa điểm, cơ sở lấy mẫu, cơ sở làm xét nghiệm… đảm bảo được xác thực đầy đủ, chính xác về tình trạng xét nghiệm Covid-19.
Ngoài ra, công tác xét nghiệm mẫu gộp 5 đến 10 mẫu, quay vòng cho các nhóm để có thể xét nghiệm nhanh và toàn diện cho 80 - 100% dân số. Theo tính toán với nhóm khoảng 10 người, chi phí xét nghiệm quay vòng mẫu đại diện cho mỗi người trong nhóm/gia đình, chỉ vào khoảng 250.000/tháng mà xác định được tình trạng cả nhóm và những người ảnh hưởng, từ đó giúp cập nhật xử lý thông tin kịp thời với chi phí tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước và người dân.
Đối với cán bộ y tế, hệ thống y tế công nghệ này giúp giảm tải trong khâu lập danh sách, nhập dữ liệu xét nghiệm. Trước đây, người dân đến điểm xét nghiệm mới làm thủ tục trên giấy, nhân viên y tế nhập liệu thủ công mất nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót.
Tiện ích của phần mềm sẽ giúp quy trình tổ chức xét nghiệm nhanh, chính xác, trả kết quả tự động cho người dân, giảm giảm ít nhất 50% nhân lực y tế. Mọi thông tin báo cáo tự động kết quả xét nghiệm cho người dân và cơ quan phòng chống dịch, quản lý Nhà nước... đều đơn giản trực quan, nhanh chóng.
Dữ liệu được phân loại từ độ tuổi, giới tính; hệ thống cơ sở dữ liệu được đồng bộ, có thể truy xuất theo thời gian thực, lập báo cáo và phân tích, dự báo kịp thời, chính xác giúp các cơ quan quản lý dễ dàng thao tác cập nhật, không còn các công đoạn giấy tờ thủ công.
Việc triển khai các giải pháp công nghệ không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn phòng chống dịch. Thay vào đó, hành vi và thói quen sử dụng công nghệ của người dân sẽ thay đổi, đồng thời, Chính phủ cũng có cơ sở dữ liệu đầy đủ và chi tiết, nhằm quản lý và vận hành xã hội trong tình hình mới, thúc đẩy chuyển đổi số trong tương lai.
Bến Tre: Từ thí điểm trở thành địa phương chống dịch hiệu quả
Đây cũng chính là lý do giúp Bến Tre trở thành ví dụ điển hình trong việc triển khai thành công phần mềm quản lý xét nghiệm của Việt Nam Khoẻ Mạnh. Chỉ trong vòng 6 giờ (14h – 20h ngày 19/8/2021), đã có hơn 18.000 lượt đăng ký đại diện cho gần 90.000 nhân khẩu của thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Kết quả, trong 2 ngày xét nghiệm 20 và 21/08/2021 tại đồng loạt 14 phường/xã của thành phố Bến Tre đạt 35.943 mẫu đại diện cho 130.042 nhân khẩu của thành phố. Tính đến nay, trên toàn bộ tỉnh Bến Tre đã thực hiện xét nghiệm đồng loạt qua nhiều vòng, cách nhau mỗi 72h cho 273.636 mẫu đại diện cho 1.094.544 nhân khẩu.