Luis von Ahn sinh ra và lớn lên ở Guatemala, là con trai của doanh nhân điều hành thương hiệu kẹo lớn nhất nước này - Tropical Candy. Dù vậy, anh không muốn kế thừa việc kinh doanh của cha mà đến Mỹ theo học và lấy bằng cử nhân khoa học tại Đại học Duke.
Sau đó, anh lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Carnegie Mellon (và sau này trở thành Giáo sư Khoa học máy tính của trường). Trong thời gian này, anh tham gia vào một số dự án được hàng triệu người sử dụng và là một trong những người phát triển kỹ thuật đứng sau hình thức gọi vốn cộng đồng. Trước khi Duolingo nổi tiếng, Luis được biết đến nhiều nhất với tên gọi "cha đẻ của CAPTCHA".
Khởi đầu của đế chế học ngoại ngữ online
Sau vài năm làm việc tại Google, Luis rẽ sang một hướng khác, được truyền cảm hứng bởi quê hương của anh. Guatemela là một nước nghèo, nơi chỉ những người có điều kiện mới được tiếp cận với giáo dục chất lượng.
Luis quyết định tạo ra cách để mọi người có thể làm điều đó miễn phí, mọi lúc mọi nơi bằng ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo. Ứng dụng được phát triển và ra mắt năm 2011 bởi Luis và Severin Hacker, một trong những nghiên cứu sinh tiến sĩ của anh tại Đại học Carnegie Mellon (Pittsburgh, Mỹ).
Những phiên bản đầu tiên được chia sẻ với sinh viên, giảng viên của trường và nhận được sự ủng hộ lớn, giúp Duolingo nhanh chóng trở nên nổi tiếng bên ngoài Pittsburgh.
Từ sự đón nhận đó, Luis đã xây dựng các diễn đàn trực tuyến xoay quanh những ngôn ngữ mà Duolingo dạy. Ví dụ, với người học tiếng Pháp, họ lập diễn đàn chia sẻ mẹo học cũng như thông tin thú vị về ẩm thực và văn hóa Pháp. Một thời gian sau, Duolingo đã có rất nhiều người dùng giới thiệu cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Luis cho biết: "Chúng tôi muốn mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng và miễn phí với giáo dục ngôn ngữ. Miễn phí cũng đóng vai trò là công cụ marketing của chúng tôi. Số lượng người dùng lớn đã cung cấp cho chúng tôi lượng dữ liệu đáng kể về cách mọi người học ngoại ngữ để cải thiện sản phẩm nhanh hơn".
Marketing tối thiểu, kết quả tối đa
Nhà sáng lập Duolingo khẳng định rằng chỉ khi được định giá 500 triệu USD, công ty mới bắt đầu tính đến việc kiếm tiền từ việc chèn quảng cáo trong ứng dụng và phí đăng ký của người dùng.
Trước cột mốc đó, trong khi khác ứng dụng ngôn ngữ khác dồn nguồn lực bao gồm nhân lực và tài chính vào marketing cũng như tính phí sản phẩm thì Duolingo lại "một mình một đường" khi chỉ chú trọng cải thiện sản phẩm. Ngay cả hiện tại, 80% nhân viên của công ty vẫn chủ yếu tập trung vào sản phẩm.
PR dựa trên sản phẩm vẫn là cốt lõi trong chiến lược marketing của Duolingo. Đội ngũ làm công tác này của họ vẫn còn rất khiêm tốn, với 3 nhân viên trên toàn thế giới. Những chính những ý tưởng mới giàu trí tưởng tượng như dạy ngôn ngữ Valyrian trong series phim Game Of Thrones đình đám đã đạt được mức độ phủ sóng truyền thông miễn phí, giúp tăng khả năng nhận diện của công ty.
Thời điểm chạy chiến dịch quảng bá đầu tiên vào mùa thu năm 2019, Duolingo đã có 300 triệu người dùng. Có thể nói, Duolingo đã chi rất ít cho marketing kể từ khi thành lập nhưng vẫn trở thành một trong ứng dụng học ngoại ngữ hàng đầu thế giới. Việc đạt được thành tích này phần lớn là nhờ marketing truyền miệng.
Hiện, đây là ứng dụng giáo dục được tải xuống nhiều nhất trên thế giới. Họ đã đạt được quy mô khổng lồ với hơn 500 triệu người dùng trong độ tuổi từ 7 – 95 và khoảng 40 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Luis cho biết anh đang mô hình hóa cách tiếp cận marketing của Duolingo dựa trên cách tiếp cận đã được Microsoft áp dụng nhiều thập kỷ trước: Marketing tối thiểu, kết quả tối đa.
Nhờ cách tiếp cận này, Duolingo được đánh giá là mô hình kinh doanh thông minh nhất trong công nghệ giáo dục trên thế giới.
Tại Việt Nam, Duolingo đã thu hút 2,2 triệu người sử dụng trong 12 tháng (tính đến tháng 2 năm ngoái) và có khoảng 500.000 người sử dụng tích cực hàng tháng.
Zan Gilani - người chịu trách nhiệm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Duolingo ở Việt Nam và Nhật Bản cho biết ứng dụng không hề chi tiền để quảng bá tại Việt Nam từ khi xâm nhập thị trường năm 2014. Tuy nhiên, công ty muốn quảng cáo trong thời gian tới để thu hút thêm người dùng.
Chiến lược kiếm tiền của Duolingo
Duolingo dựa trên một điều duy nhất: Có 1,2 tỷ người trên thế giới có nhu cầu và đang tìm cách hiệu quả để học ngoại ngữ. Đây là yếu tố quan trọng mà Duolingo sử dụng để thiết lập chiến lược kiếm tiền của mình.
Bởi Duolingo đầu tư rất nhiều vào giao diện và chất lượng khóa học, 30% người dùng tiếp tục sử dụng ứng dụng sau 1 tuần đăng ký tài khoản miễn phí.
Là một thương hiệu còn non trẻ chưa tính phí người dùng, Duolingo thu phí dịch thuật với những khách hàng có nhu cầu. Công ty xác định những trang trên Internet có bản dịch không đầy đủ, cung cấp các câu từ đó để nhiều người dùng cùng dịch.
Sau đó, một phần mềm phụ trợ sẽ sàng lọc các bản dịch khác nhau của mỗi từ trong câu để chọn ra một câu hoàn chỉnh phù hợp nhất. Duolingo tính phí từ 5 – 20 cent/từ cho mỗi bản dịch, thấp hơn nhiều so với dịch giả chuyên nghiệp.
Đến năm 2015, công ty thay đổi hướng kiếm tiền bằng cách giới thiệu "Duolingo Test Center", cung cấp bài kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Anh qua hình thức online. Thí sinh không cần đăng ký trước lịch thi cũng như không cần đến địa điểm tổ chức.
Họ có thể làm bài tại bất kỳ đâu, chỉ cần máy tính kết nối Internet. Sau 48 tiếng từ thời điểm kết thúc, người thi sẽ nhận được kết quả cùng giấy chứng nhận trình độ ngoại ngữ. Mức phí của bài kiểm tra này của Duolingo là 20 USD, bằng 1/7 so với bài kiểm tra cùng loại.
Sau khi đạt mức định giá 500 triệu USD vào khoảng năm 2016, Duolingo bắt đầu chèn quảng cáo vào ứng dụng miễn phí. Người dùng có thể trải nghiệm toàn bộ tính năng, không bị làm phiền bởi quảng cáo cũng như tải bài học để học ngoại tuyến khi mua phiên bản trả phí của Duolingo.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh, Duolingo cho biết doanh thu quý I/2021 của công ty đã tăng hơn gấp đối, với 72% đến từ đăng ký trả phí của người dùng và gần 17% từ quảng cáo.
Sau vòng gọi vốn vào tháng 11 năm ngoái, Duolingo được định giá 2,4 tỷ USD.
Nguồn: PL, Courier