Vào tháng 7/2021, Duolingo đã huy động được 521 triệu USD sau khi IPO trên sàn Nasdag, để nâng mức định giá công ty lên 3,7 tỷ USD. Sau 1 ngày IPO, cổ phiếu của họ đã tăng 36%. Duolingo vẫn đang kiếm tiền rất tốt dù hầu như chưa làm marketing, nhờ lượng người dùng khổng lồ - 500 triệu người.
Để tìm hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển của Duolingo trong năm 2022, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng bà Haina Xiang - Giám đốc Marketing, phụ trách thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.
"Nhìn chung, Duolingo đang có tốc độ phát triển rất nhanh. Sau khi IPO, số lượng người dùng đang hoạt động luôn đạt ở mức cao (số lượng người dùng hoạt động hàng tháng vào năm 2021 là 40,5 triệu, tăng 10% theo năm). Con số này đạt được là nhờ vào sự giới thiệu và truyền miệng giữa người dùng với nhau về Duolingo. Chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều khóa học mới ở các thị trường khác nhau.
Chúng tôi vừa ra mắt ngôn ngữ thứ 41 của mình: Tiếng Haitian Creole, là ngôn ngữ của quốc gia độc lập đầu tiên của người da màu. Và sắp tới sẽ có nhiều khóa học mới. Do ảnh hưởng của đại dịch, mọi người đang chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến trên toàn cầu, điều này cũng góp phần vào sự phát triển của chúng tôi.
Ngoài ra, tại các thị trường đã phát triển, chúng tôi nhận thấy rằng linh vật Duo có ảnh hưởng rất lớn. Duo đang trở nên rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Khi mọi người nhìn thấy con cú xanh, họ sẽ nhận ra ‘Ồ đó là Duolingo’. Chúng tôi trở thành đề tài thảo luận trên nền tảng TikTok. Trong một thời gian ngắn, số người theo dõi của chúng tôi đã tăng lên 1 triệu người", bà Haina Xiang chia sẻ.
Cũng theo bà, sứ mệnh của Duolingo là giáo dục ngôn ngữ miễn phí và dễ dàng tiếp cận cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, để có thể kinh phí phát triển, Duoling đang thu lợi nhuận theo những cách sau.
Duolingo hiện có 500 triệu người dùng trên thế giới.
Từ quảng cáo: Duoling hiển thị các quảng cáo ngắn, không xâm phạm vào quá trình học tập và được đặt ở cuối mỗi bài học.
Từ tùy chọn đăng ký Duolingo Plus: Người dùng có thể đăng ký Duolingo Plus để loại bỏ quảng cáo và có khả năng tải xuống các bài học để sử dụng ngoại tuyến. Tóm lại, dù người dùng thấy hay không thấy quảng cáo, Duolingo đều được tiền.
Từ Duolingo English Test: Đây là kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, chủ yếu được sử dụng bởi các học sinh, sinh viên quốc tế đăng ký vào các trường đại học Hoa Kỳ. Bài kiểm tra được thiết kế để giảm bớt rào cản với giáo dục đại học thông qua việc giúp chứng chỉ tiếng Anh trở nên dễ tiếp cận và hợp lý hơn.
Bài kiểm tra có giá khoảng 1.200.000 VNĐ (49 USD) và có thể được thực hiện tại nhà trên máy tính thay vì phải đến trung tâm khảo thí. Bài kiểm tra tiếng Anh Duolingo English Test được chấp nhận bởi hơn 3.500 học viện (bao gồm Columbia, NYU, UCLA, Duke và Johns Hopkins) và con số này vẫn tiếp tục tăng lên mỗi tháng.
"Việc người dùng đăng ký Duolingo Plus là một trong những kênh chính giúp chúng tôi tạo ra doanh thu. Trên toàn cầu, Duolingo có 500 triệu người dùng và 6% người dùng hoạt động hàng tháng (monthly active user - MAU) là người đăng ký Duolingo Plus. Những người dùng đăng ký Duolingo Plus đã góp phần tạo nên tổng doanh thu 250 triệu USD của chúng tôi vào năm ngoái.
Đây là mức tăng trưởng vượt bậc so với năm trước, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020. Mỹ và Anh là những thị trường có mức độ sẵn sàng chi trả cao cho gói đăng ký này. Các thị trường này có tỷ lệ đăng ký cao, góp phần vào việc tăng trưởng doanh thu.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, chúng tôi chưa triển khai tính năng đăng ký này. Tất cả nội dung học hoàn toàn miễn phí cho người học tại Việt Nam. Hiện tại, bạn không cần phải trả bất kỳ khoản tiền nào và tất cả nội dung đều được cung cấp miễn phí. Chúng tôi chưa thu lợi nhuận ở Việt Nam.
Hiện tại, Duolingo vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển thương hiệu và sản phẩm của mình, cũng như tập trung phát triển số lượng người dùng tại Việt Nam", Giám đốc cấp trung này nêu cụ thể.
Bên cạnh đó, Duolingo English Test là một sản phẩm hứa hẹn sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới của Duolingo.
Ứng dụng học tập của Duoling tập trung vào việc giảng dạy ngôn ngữ và Duolingo English Test tương đương với bài kiểm tra TOEFL hoặc IELTS. Đây là nền tảng mà học sinh, sinh viên có thể đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của mình và sử dụng điểm đó để đăng ký vào các trường quốc tế hoặc đại học.
Vậy đâu là lợi thế cạnh tranh giữa Duolingo English Test so với các bài kiểm tra tiếng Anh truyền thống khác?
Trước hết, chúng ta phải điểm qua một số khó khăn cho học sinh khi làm bài kiểm tra tiếng Anh quốc tế. Thứ nhất, những bài kiểm tra có chi phí rất đắt. Thứ hai, rất khó để đăng ký một trung tâm kiểm tra tại chỗ. Thí sinh cần đặt trước, sau đó họ cần đến trung tâm khảo thí để thực hiện bài thi.
Còn đối với Duolingo English Test thì chi phí tối ưu hơn, chỉ khoảng 1.200.000 VNĐ (49 USD). Ngoài ra, thí sinh không cần phải đăng ký trực tiếp tại trung tâm kiểm tra, cũng như không phải đặt trước hoặc thi trực tiếp ở trung tâm. Chỉ cần bạn có máy tính là có thể làm bài thi bất cứ lúc nào bạn thích. Đó là một cách sử dụng công nghệ để hỗ trợ việc tham gia dự thi các bài kiểm tra tiếng Anh được thuận tiện hơn.
Haina Xiang - Giám đốc Marketing, phụ trách thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, Duolingo
Vậy Duolingo đã làm cách nào để ngăn chặn việc gian lận online trong các kỳ thi Duolingo English Test để đảm bảo uy tín cho dịch vụ của mình?
Vì bài kiểm tra sẽ thực hiện ở nhà nên làm thế nào để đảm bảo rằng quá trình tham gia đánh giá năng lực không có gian lận là một mối quan tâm lớn. Vì vậy, họ có một công nghệ ngăn chặn gian lận trong quá trình thực hiện bài thi.
Ví dụ, trong khi bạn đang làm bài kiểm tra, bạn cần bật camera để toàn bộ quá trình được ghi lại. Ở phần hỗ trợ, Duolingo sẽ tự động kiểm tra xem có bất kỳ hành vi gian lận nào không. Duolingo cũng có một nhóm nhân viên để xem xét tất cả các video nhằm đảm bảo rằng không có hành vi gian lận trong quá trình này.
Bên cạnh đó, app này cũng có công nghệ giám sát màn hình của bạn, vì vậy bạn không thể kết nối máy tính của mình với các màn hình khác hoặc bạn không thể kết nối hệ thống của mình với các hệ thống khác để giúp bạn dịch thuật... Nếu bạn có những hành động đó, màn hình và máy tính có thể ngăn cản để ngăn chặn gian lận.
Hơn nữa, Duolingo đã và đang phát triển đội ngũ công nghệ của mình về phòng chống gian lận.
"Sứ mệnh mà người sáng lập Duolingo luôn là phát triển nền giáo dục tốt nhất trên thế giới và cung cấp những khóa học trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, miễn phí cho việc học là điều chúng tôi đã làm trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục làm như vậy. Đối với việc đăng ký, chúng tôi không thu lợi nhuận từ nội dung, nhưng chúng tôi đang thu lợi nhuận từ một số tính năng và chức năng khác.
Với Duolingo Plus, người dùng không trả tiền cho nội dung mà trả tiền cho các chức năng khác.
Ở khía cạnh khác, đây được xem là phương pháp tiếp thị không tốn phí của chúng tôi. Chúng tôi không thích chi tiền cho việc quảng cáo, nhưng chúng tôi làm điều đó miễn phí để mọi người có thể giới thiệu Duolingo cho bạn bè và gia đình của họ", Giám đốc Markering phụ trách thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á khẳng định.
Tức là, Duolingo vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược marketing 0 đồng bằng ưu tiên phát triển sản phẩm để chinh phục người dùng và đủ để họ giới thiệu cho người khác; còn kênh marketing có tiền chỉ là phụ.
Vậy nên, các sản phẩm của Duolingo luôn có thể trở nên khác biệt bằng việc củng cố và cải thiện những gì họ đang làm tốt. Duolingo đang sử dụng công nghệ và AI để phát triển các khóa học cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ quá trình học tập.
Ngoài ra, ‘Kỳ lân’ này còn muốn làm cho quá trình học ngoại ngữ trở nên vui vẻ và dễ dàng nhất. Vì họ biết rằng việc học ngôn ngữ là một quá trình dài và cần rất nhiều sự đầu tư về thời gian và tinh thần. Miễn phí nhưng phải tốt và thú vị!
Cuối cùng, Duolingo sẽ tiếp tục dạy thêm nhiều ngôn ngữ hơn trong tương lai. Trong khi đó, các trung tâm tiếng Anh chỉ có thể cung cấp các khóa học tiếng Anh. Khả năng cung cấp nhiều ngôn ngữ này của Duolingo rất độc đáo trong danh mục giáo dục toàn cầu và bà Haina Xiang cho rằng: chỉ Duolingo mới có thể làm được việc cung cấp nhiều khóa học của những ngoại ngữ khác nhau trong một ứng dụng.